logo_tram.jpg

ISO 9001:2015

VIMCERTS 025

 

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

NATIONAL WORKING ENVIRONMENT MONITORING STATION

 

vilas1.png

VILAS 441

Trang chủ»Nghiên cứu khoa học»Thông tin KHCN & Môi trường»An toàn vệ sinh lao động trong chuỗi cung ứng

An toàn vệ sinh lao động trong chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng thuê ngoài một số mảng hoạt động và quy trình sản xuất. Xu hướng thuê ngoài cũng như tầm quan trọng ngày một gia tăng của chuỗi cung ứng (CCU) tác động đến điều kiện làm việc, sức khỏe và sự an toàn của người lao động trong các công ty hợp đồng và dịch vụ cung ứng. Có hai loại CCU phải được xem xét về mặt an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ): CCU sơ cấp và CCU thứ cấp.

Theo ước tính của ILO, 60-80% thương mại thế giới liên quan đến CCU toàn cầu. Sự đóng góp của các cơ chế thương mại này đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cơ hội việc làm là rõ ràng, tuy nhiên tác động của chúng đối với điều kiện làm việc, an toàn và sức khỏe của người lao động ở các nước đang phát triển làm dấy lên mối lo ngại. Mặc dù có tiềm năng lớn để khai thác sức mạnh ngày càng tăng của CCU toàn cầu nhằm cải thiện an toàn vệ sinh lao động [1]. Trong khi các rủi ro về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp là hiện hữu đối với tất cả các nơi làm việc, CCU toàn cầu mang đến những cơ hội quan trọng để thúc đẩy thực hành tốt ATVSLĐ, đặc biệt ở các quốc gia thiếu hoặc không đầy đủ hệ thống ATVSLĐ. Đại dịch COVID-19 và các hậu quả tài chính liên quan của nó là lời nhắc nhở rằng lực lượng lao động khỏe mạnh là điều tốt cho hoạt động kinh doanh và rất cần thiết để xây dựng CCU linh hoạt để cải thiện hiệu suất và lợi nhuận [2].

 

1. Công tác an toàn vệ sinh lao động trong chuỗi cung ứng

Mỗi năm, thế giới có khoảng 2,9 triệu người lao động chết, 402 triệu bị thương, 5,4% GDP toàn cầu bị mất do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp [3]. Ở Việt Nam, có 54 triệu người lao động, dự báo có khoảng 15 triệu người lao động có tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, 60% lao động làm việc không có quan hệ lao động [4].

Trong CCU, người lao động có thể đối mặt với một số khó khăn và nguy cơ mất ATVSLĐ. Nhiều thách thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đòi hỏi phải có những hành động vượt ra ngoài ranh giới của một công ty, một quốc gia. Có hai loại CCU phải được xem xét về mặt ATVSLĐ (Hình 1).

CCU là mạng lưới sơ cấp các công ty và nhà cung cấp của họ: Trong mạng lưới này chủ yếu là dòng hàng hóa và nguyên liệu. Đây thường được coi là mạng lưới chính của các công ty, trong đó sản xuất, phân phối và mua bán hàng hóa diễn ra.

CCU là mạng lưới thứ cấp: Các công ty được liên kết với nhau bằng bảo lãnh hợp đồng, phổ biến như là các công việc xây dựng, dự án bảo trì, công nghệ thông tin, vệ sinh công nghiệp, phục vụ ăn uống. Người sử dụng lao động không chỉ thuê nhà thầu mà các nhà thầu có thể thuê các nhà thầu phụ và một chuỗi các công ty xuất hiện [5].

Hinh 1 MQH DN va MT

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp trung tâm và môi trường xung quanh

 

Như vậy, những thách thức về ATVSLĐ chung trong CCU toàn cầu là:

Công tác quản lý và tổ chức thực hiện ATVSLĐ: có nhiều bên liên quan và độ phức tạp cao, hoạt động trên nhiều quốc gia và khu vực có quy định và chuẩn mực ATVSLĐ khác nhau, CCU có thể bao gồm nhiều giai đoạn và hoạt động khác nhau, từ sản xuất, vận chuyển, lưu trữ đến bán lẻ.

Quan hệ lao động và tư duy văn hóa: Một số quốc gia hoặc khu vực có văn hóa lao động và quan hệ lao động không tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện ATVSLĐ. Sự thiếu nhận thức và ý thức về ATVSLĐ cũng có thể gây khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp ATVSLĐ. Bên cạnh đó, việc thiếu thương lượng tập thể, các hình thức làm việc không có quan hệ lao động, sử dụng lao động nhập cư, chưa đánh giá về thiếu hụt việc làm trong CCU toàn cầu là những khó khăn lớn.

Biến đổi công nghệ và xu hướng mới: Công nghệ và xu hướng mới trong chuỗi cung ứng có thể mang lại lợi ích và tiện ích, nhưng cũng có thể tạo ra các nguy cơ và thách thức ATVSLĐ mới.

Hạn chế tài chính và tài nguyên: Một số tổ chức trong chuỗi cung ứng có thể đối mặt với hạn chế về tài chính và tài nguyên để đầu tư vào ATVSLĐ. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ qua việc nâng cao các biện pháp ATVSLĐ.

 

2. Một số giải pháp nâng cao an toàn vệ sinh lao động trong chuỗi cung ứng

2.1. Đối với doanh nghiệp và người sử dụng lao động [2]

Các doanh nghiệp có thể thực hiện một số hành động để thúc đẩy việc làm bền vững và đảm bảo tất cả nơi làm việc cũng như tất cả người lao động đều an toàn và khỏe mạnh:

Lập bản đồ CCU để hiểu rõ hơn về các thách thức ATVSLĐ hiện tại: Lập bản đồ CCU cho phép doanh nghiệp hiểu biết toàn diện hơn về quy mô và bản chất của các vấn đề an toàn và sức khỏe cụ thể và tại các điểm trong sản xuất, các vấn đề này phát sinh trong toàn bộ quá trình chuỗi cung ứng.

Đưa ATVSLĐ và thương tích lao động vào dự trù kinh phí: Đảm bảo sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc là một phần của hoạt động kinh doanh có trách nhiệm. Các doanh nghiệp nên cố gắng đưa vào hoạt động mua sắm của mình việc đánh giá, việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe của nhà cung cấp.

Cải thiện việc giám sát sự tuân thủ ATVSLĐ bằng cách tham gia chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp: Các chương trình mà doanh nghiệp có thể sử dụng để ứng phó với các mối lo ngại của xã hội nên tích hợp các quy trình chi tiết để không chỉ xác định các rủi ro và tác động ATVSLĐ mà còn cả cách tích hợp và hành động dựa trên các phát hiện, theo dõi các phản hồi khi được yêu cầu và trao đổi về cách giải quyết các thách thức.

Thúc đẩy chia sẻ kiến thức và năng lực theo chiều dọc và chiều ngang: Doanh nghiệp nên hỗ trợ các nhà cung cấp để đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng các tiêu chuẩn mong đợi về ATVSLĐ (chia sẻ kiến thức theo chiều dọc). Các doanh nghiệp cũng nên khuyến khích các nhà cung cấp của mình chia sẻ kiến thức, năng lực và kinh nghiệm ATVSLĐ mà họ có được trong các lĩnh vực còn lại của ngành, kể cả với những nhà cung cấp chỉ có thể cung cấp cho thị trường nội địa (chia sẻ kiến thức theo chiều ngang).

2.2. Đối với người lao động

Người lao động phải tuân thủ tất cả các quy định ATVSLĐ được đề ra bởi cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc đọc, hiểu và tuân thủ các quy định an toàn, quy trình làm việc và hướng dẫn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Báo cáo nguy hiểm và sự cố. Nếu phát hiện nguy hiểm hoặc xảy ra sự cố, người lao động cần thông báo ngay lập tức cho quản lý hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời và ngăn chặn tai nạn lan rộng.

Giám sát và tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về ATVSLĐ trong CCU. Người lao động nên thực hiện việc kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định và quy trình ATVSLĐ trong CCU. Điều này có thể bao gồm việc xác định và báo cáo các vi phạm, thực hiện các biện pháp sửa chữa và cải thiện, và duy trì một hệ thống giám sát liên tục.

Tham gia các khóa đào tạo về ATVSLĐ do cơ quan chức năng hoặc doanh nghiệp tổ chức. Những khóa đào tạo này giúp người lao động hiểu rõ về nguy cơ và biện pháp phòng ngừa, cũng như cách ứng phó với các tình huống nguy hiểm

Tham gia vào việc đề xuất và thúc đẩy các cải tiến về ATVSLĐ trong CCU. Tham gia vào việc xây dựng văn hóa làm việc an toàn, khuyến khích đồng nghiệp và nhà cung cấp tuân thủ các quy định ATVSLĐ.

 

3. Kết luận

ATVSLĐ trong CCU là vấn đề không chỉ ở một công ty, một quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, mọi quốc gia đều quan tâm. Xây dựng được bộ công cụ quản lý và hướng dẫn an toàn vệ sinh lao động hợp lý và hữu ích trong CCU là hết sức cần thiết, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động, đảm bảo CCU được bền vững.

ATVSLĐ trong CCU là trách nhiệm chung của tất cả các bên liên quan. Cần có sự hợp tác, tương tác và thúc đẩy từ tất cả các bên để đảm bảo môi trường làm việc an toàn và bảo vệ sức khỏe của người lao động trong suốt quá trình cung ứng.

Tài liệu tham khảo

[1]. European Commission DG, (12.2017), “OSH in Global Supply Chains” https://www.ilo.org/global/topics/safety-and-health-at-work/programmes-projects/WCMS_522931/lang--en/index.htm. Truy cập ngày 08/4/2024

[2]. United nation Global Compact, “How to Improve Safety and Health in Global Supply Chains”,https://unglobalcompact.org/academy/how-to-improve-safety-and-health-in-global-supply-chains. Truy cập ngày 09/4/2024

[3]. ILO, (2022) “Safety and health at work”.

[4]. Đài truyền hình Việt Nam, Ban thời sự, (11/12/2023), “Cảnh báo Gia tăng bệnh nghề nghiệp”,https://vtv.vn/xa-hoi/canh-bao-gia-tang-benh-nghe-nghiep 20231211215809106.htm, truy cập ngày 10/4/2024.

[5]. European Agency for Safety and Health at Work (EU-OSHA) (2012), “Promoting occupational safety and health through the supply chain”.

 

 

PGS. TS. Lê Minh Đức, ThS. Nguyễn Thành Trung

 Phân viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung

 

 

Tìm kiếm bài viết

Video

Ảnh hoạt động

IMG_8493 IMG_8515F IMG_8505 IMG_8488 IMG_8498 20150504_102136 20151212_151529 Ly mu cc yu t c hi khu vc may

Thông tin liên hệ

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Địa chỉ: 99 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Điện thoại: (+8424) 22172473; 22172480 - Fax: (8424) 3822 3011

Hotline: 0941042838

Email: [email protected] 

Website: https://Wemos.vn/

Cơ quan quyết định thành lập: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cơ quan quản lý trực tiếp: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

 

Dịch vụ

Thế mạnh đơn vị

Bản đồ

Thông tin được đăng tải có tính chất tham khảo, không có giá trị về mặt pháp lý

  • zalo-circle