Chủ trì hội thảo gồm có: TS. Vũ Xuân Trung - Phó Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động; PGS.TS Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường.
TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động phát biểu khai mạc hội thảo
Đến dự Hội thảo có các cán bộ nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước từ nhiều đơn vị như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bảo hiểm xã hội VN…
Ethylbenzen là đồng đẳng của benzen, một chất lỏng không có màu tương tự như xăng, mùi thơm ngọt bay hơi nhanh và rất dễ bắt lửa. Ethylbenzen là một hợp chất hữu cơ có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp hóa dầu, Ethylbenzen được sử dụng để tạo ra các hóa chất khác, trong nhiên liệu và như một dung môi trong mực, chất kết dính cao su, sơn dầu và sơn. Ethylbenzen gây ảnh hưởng đến thính giác, suy giảm chức năng thần kinh, ảnh hưởng đến thận… Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nước công nhận bệnh nhiễm độc Ethylbenzen nghề nghiệp.
Trong khuôn khổ của buổi Hội thảo đã có 02 báo cáo chính được trình bày:
Báo cáo 1: “Tổng quan về Ethylbenzen” bao gồm các nội dung: Thông tin cơ bản về Ethylbenzen; Ảnh hưởng của Ethylbenzen đến sức khỏe; Giám sát tiếp xúc với Ethylbenzen; Một số hướng dẫn khám bệnh nhiễm độc Ethylbenzen nghề nghiệp.
Báo cáo 2: “Cơ sở đề xuất và dự thảo hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nhiễm độc Ethylbenzen nghề nghiệp” bao gồm các nội dung: Căn cứ đề xuất bổ sung bệnh nhiễm độc Ethylbenzen nghề nghiệp vào danh mục các Bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam; Dự thảo hướng dẫn chẩn đoán; Dự thảo hướng dẫn giám định.
TS.Vũ Xuân Trung trình bày báo cáo
Sau khi nghe 2 bài báo cáo của nhóm nghiên cứu, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung cho nhóm nghiên cứu. Tất cả các ý kiến đều thống nhất việc đề xuất bổ sung bệnh nhiễm độc Ethylbenzen nghề nghiệp vào danh mục các Bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam là việc làm rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn sản xuất đang được đẩy mạnh tại nước ta hiện nay. Một số ý kiến đóng góp nổi bật cho nhóm nghiên cứu trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ xin bổ sung BNN được bảo hiểm như sau:
- Trong mục tổng quan các tài liệu, nghiên cứu, tiêu chuẩn của các nước, các tổ chức quốc tế đã công nhận bệnh nhiễm độc Ethylbenzen nghề nghiệp vào danh mục các Bệnh nghề nghiệp cần chú ý xem xét đến tính phù hợp với điều kiện Việt Nam như: Mỗi nước có những ngành nghề, công việc, công nghệ sản xuất khác nhau; Điều kiện lao động, môi trường làm việc không giống nhau; Điều kiện, cơ sở, trang thiết bị phân tích đánh giá chỉ số giám sát của nước ta còn thiếu và yếu hơn so với nhiều nước…
- Nhóm nghiên cứu cần phân tích, liệt kê được những ngành nghề đặc trưng có sử dụng nhiều Ethylbenzen trong sản xuất và từ đó đưa ra con số (có thể là ước lượng) về số lượng Ethylbenzen được sử dụng tại VN trong thời gian qua.
- Trong phần thuyết mình dự thảo cần có tính thuyết phục hơn bẳng cách nêu đầy đủ những thông số tiêu chuẩn của các nước, các tổ chức quốc tế đồng thời căn cứ vào tình hình nghiên cứu thực tế để đưa ra nhưng lập luận cho dự thảo được nhóm nghiên cứu đưa ra.
- Bổ sung giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp trong môi trường.
- Nhóm nghiên cứu cần xem xét tính toán đến khía cạnh chế độ cho người mắc bệnh nghề nghiệp từ đó tính toán sự ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội.
- Nhóm nghiên cứu cần đẩy nhanh thời gian hoàn thiện hồ sơ xin bổ sung bệnh nghề nghiệp để kịp với lần bổ sung Thông tư 15/2016/TT-BYT của Bộ Y tế về danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội sắp tới.
Kết thúc buổi hội thảo TS.Vũ Xuân Trung đã thay mặt nhóm nghiên cứu đã cám ơn sự có mặt và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cán bộ quản lý đồng thời cũng mong tiếp tục nhận được những đóng góp hơn nữa để hoàn thiện hoàn thiện hồ sơ xin bổ sung bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm góp phần vào công cuộc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người lao động nước nhà.
HT
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)