logo_tram.jpg

ISO 9001:2015

VIMCERTS 025

 

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

NATIONAL WORKING ENVIRONMENT MONITORING STATION

 

vilas1.png

VILAS 441

Trang chủ»Nghiên cứu khoa học»Thông tin KHCN & Môi trường»Một số vấn đề trong lĩnh vực an toàn và vệ sinh lao động đến 2030 và tầm nhìn 2050

Một số vấn đề trong lĩnh vực an toàn và vệ sinh lao động đến 2030 và tầm nhìn 2050

Bài viết đưa ra một số vấn đề mới trong các lĩnh vực chuyên môn An toàn và Vệ sinh lao động, cần quan tâm nghiên cứu đến 2030 và tầm nhìn 2050.

 

1. MỞ ĐẦU

Công tác nghiên cứu KHCN An toàn, vệ sinh lao động nước ta đến năm 2030 cần đáp ứng nhiều yêu cầu mới, trong đó có những yêu cầu về phát triển hội nhập với các nước khu vực và thế giới. Ở đây, tác giả tóm lược một số vấn đề mới về nội dung và học thuật, mang tính khái quát hóa, hiện đại và hội nhập trong nghiên cứu, nhằm đóng góp tầm quán xuyến đầy đủ hơn trong chiến lược phát triển KHCN về ATVSLĐ nước ta giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến 2050.

2. BỔ SUNG NHẬN THỨC MỚI VỀ QUY LUẬT CỦA SINH QUYỂN

Cần nói ngay rằng đây là quá trình tất yếu, phổ biến đối với mọi lĩnh vực nghiên cứu, nhất là những lĩnh vực liên ngành, trong đó có An toàn vệ sinh lao động.

Những nhận thức mới về quy luật của sinh quyển mà tác giả muốn nêu là:

Thứ nhất, sinh quyển, trong đó có con người, được nhận thức là cấu thành khách quan, tất yếu của vũ trụ, do vậy sinh quyển, bằng cách này hay cách khác, tồn tại khách quan, vĩnh cửu như chính vũ trụ [4];

Thứ nhì, đó là nhận thức về tính thống nhất của hệ thống đa chức năng, tính toàn vẹn về cấu trúc và tính thông minh, tự tổ chức và tự điều chỉnh như của một cơ thể sống trong quy mô toàn bộ sinh quyển, trong đó có con người [3, 4, 5];

Thứ ba là, xã hội loài người dù phát triển thế nào đi nữa, cũng chỉ phản ánh tự nhiên và được tự nhiên điều chỉnh như đối với những tác động nhiễu loạn từ bên trong hệ thống mà thôi [3, 5].

Những nhận thức nêu trên giúp chúng ta nhìn rõ hơn bản chất tự nhiên của xã hội loài người. Trong hoạt động sản xuất, ta thấy rõ hơn sự gắn bó cơ hữu mang tính bản chất tự nhiên giữa đảm bảo ATVSLĐ với phát triển sản xuất, giữa bảo vệ sức khỏe lao động với bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực v.v. Trong nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể, chúng giúp ta nhận thức đầy đủ hơn sự hạn chế của tư duy phân đoạn và chuyển dần sang phương pháp tư duy tổng thể và tư duy hệ thống, đánh giá được đầy đủ hơn về mặt định tính cũng như định lượng quan hệ nhân quả nhiều chiều giữa các yếu tố và tác nhân tác động, từ đó đưa ra được những giải pháp hiệu quả và bền vững. Tác giả xin nêu vài điểm mang tính chất gợi ý vấn đề dưới đây:

3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU HỘI NHẬP TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ATVSLĐ

Năm 2007, Viện tiêu chuẩn Anh ban hành tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ATSKNN, được sử dụng như là một tiêu chuẩn quốc tế và đến năm 2018 thì Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ban hành tiêu chuẩn ISO 45001:2018 về hệ thống quản lý ATSKNN.

Đặc điểm mới của OHSAS 18001:2007 và ISO 45001:2018 là chuyển toàn bộ công tác quản lý ATSKNN sang quản lý rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (RRATSKNN). Nội hàm trực tiếp và chủ yếu của quản lý RRATSKNN là nhận diện, đánh giá và kiểm soát các rủi ro đó.

Mặc dù đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp chứng nhận ISO 45001:2018 nhưng kỹ thuật và các giải pháp kiểm soát RR ATSKNN như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều DN không biết thực hiện ra sao. Các đơn vị tư vấn, dịch vụ đánh giá RR ATSKNN vẫn không có phương pháp nhất quán đánh giá được đúng mức độ RR. Từ đó gây ra những lãng phí, thiếu thiết thực và hình thức trong thực hiện kiểm soát RRATSKNN trong điều kiện thực tiễn của DN.

Trong giai đoạn trước mắt và đến 2030 chúng ta cần tập trung vào nghiên cứu ứng dụng và chuyển đổi một cách nhuần nhuyễn sang hệ thống quản lý RRATSKNN, trong đó, cần chú ý nghiên cứu hoàn thiện phương pháp luận kiểm soát RRATSKNN, bao gồm các cơ sở khoa học, các phương pháp đồng bộ, nhất quán để thực hiện tổ hợp 4 bước sau:

1/ Quan trắc, giám sát, phân tích, đánh giá RRNN;

2/ Dự báo, cảnh báo RRNN;

3/ Can thiệp giảm thiểu và can thiệp ngăn chặn RRNN;

4/ Đánh giá hiệu quả các giải pháp được thực hiện và tối ưu hóa sơ đồ huy động nguồn lực.

Trong điều kiện phát triển hội nhập, có tính đến ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), cơ sở khoa học trong lĩnh vực ATVSLĐ phải có những nghiên cứu bổ sung, công cụ quản lý RRATSKNN phải phù hợp với sự thay đổi về bản chất và hình thức tác động của chúng. Sự thay đổi cơ bản công nghệ SXCN trong CMCN 4.0 tạo ra những RRATSKNN mới, biểu hiện nguy hiểm của chúng đến sức khỏe NLĐ chưa được nghiên cứu đầy đủ, thậm chí hoàn toàn mới. Hệ thống quản lý RRATSKNN cũng cần tiếp tục được cải tiến trên cơ sở xác định rõ những yêu cầu khách quan của CMCN 4.0. Trên toàn thế giới, vấn đề này rất mới mẻ và chưa có những nghiên cứu bài bản, hệ thống.

Theo dự báo phát triển, đến 2030 nước ta về cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vấn đề đảm bảo ATVSLĐ sẽ được thực thi một cách tự giác. Khi đó,có thể hội tụ đủ điều kiện để xây dựng văn hóa an toàn (VHAT) trong sản xuất với việc coi các biện pháp phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu. Văn hóa an toàn đang trở thành một xu hướng tất yếu để phát triển ATVSLĐ ở trên thế giới và cả ở Việt Nam;

Hiện nay, VHAT ở Việt Nam chưa có được một cái nhìn thống nhất. Về nguyên tắc, VHAT vừa có thể phát triển tự phát, lại vừa có thể được xây dựng và thúc đẩy phát triển tự giác. Chính giai đoạn này, để phù hợp với phát triển sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta cần nghiên cứu hoàn chỉnh nền tảng lý luận và thực tiễn để từ đó áp dụng rộng rãi mô hình “văn hóa an toàn trong sản xuất”, từng bước hình thành và thúc đẩy VHAT một cách tự giác trên phạm vi toàn quốc.

4. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU MỚI TRONG LĨNH VỰC AN TOÀN LAO ĐỘNG

- Lao động là một phần hoạt động sống của con người. Do vậy, nhu cầu an toàn tính mạng và sức khỏe lao động là khách quan. Khái niệm an toàn lao động càng ngày càng được bổ sung những nội hàm mới liên quan tới rủi ro, liên quan tới nhu cầu định lượng nguy cơ và giới hạn hóa rủi ro. Từ đây sẽ có những nội dung nghiên cứu mới đòi hỏi một số phương pháp tiếp cận mới, đôi khi phải xây dựng hệ thống khái niệm mới, phát triển từ những khái niệm đã có, chẳng hạn khái niệm: đồng mức rủi ro sức khỏe; đồng mức an toàn; đồng mức độ bảo vệ; v.v.;

- Định lượng và liên tục hóa các mức nguy cơ không đồng nghĩa với định lượng và liên tục hóa mức bảo vệ (hoặc mức an toàn!). Nói cách khác, chúng có cấu trúc chuyển đổi qua lại cần được nghiên cứu để từ đó xác định được hiệu quả của các giải pháp kỹ thuật-công nghệ được đưa ra;

- An toàn lao động được hiểu mở rộng đối với mọi nguy cơ, kể cả nguy cơ phơi nhiễm với các tác nhân độc hại gây ra các loại suy giảm sức khỏe lao động (bao gồm suy giảm khắc phục được và suy giảm không khắc phục được). Mặt khác, bản thân các nguy cơ lại không cố định, mà thay đổi theo thời gian, theo đặc trưng công nghệ, và theo quá trình lao động v.v., do vậy phải nghiên cứu và tiếp cận theo hướng động, không phiến diện một chiều (trong thực tế nghiên cứu, chưa bao giờ chúng ta cho rằng các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hay bảo vệ lao động, v.v., lại gây ra những nguy cơ hay tổn hại mới!);

- Tai nạn lao động là một kết cục khó gắn với khái niệm ngẫu nhiên. Nói cách khác, tai nạn lao động là kết cục của quá trình diễn biến các tình huống mà các nhà nghiên cứu gọi là chuỗi tình huống sự cố (hoặc chuỗi tình huống rủi ro). Chúng gắn liền với các quá trình công nghệ, hệ thống thiết bị, chuỗi tác động làm ra sản phẩm v.v., do vậy phải nghiên cứu các kịch bản tình huống một cách đồng bộ, từ nhiều phương diện để đưa ra được chiến lược can thiệp hiệu quả (về lý thuyết, mọi sự cố hoặc tai nạn đều có thể ngăn chặn được khi chúng chưa xảy ra. Can thiệp càng sớm thì chi phí ít càng ít nhưng hiệu quả cũng ít, can thiệp càng gần thì hiệu quả càng cao nhưng chi phí cũng càng cao. Vấn đề đặt ra để nghiên cứu là can thiệp vào khoảng thời gian nào, và tập hợp các tình huống nào thì hiệu quả đủ cao và chi phí chấp nhận được!!!);

- Các giải pháp đảm bảo an toàn lao động chủ yếu là cho con người. Từ lâu, yếu tố con người đã được chú trọng nghiên cứu trong tối ưu hóa thao tác, trong phát hiện sai phạm quy trình và sai phạm thao tác dẫn đến tai nạn lao động hoặc dẫn đến sự cố sản xuất, sự cố kỹ thuật, gây tai nạn hoặc gây ô nhiễm đột ngột v.v. Tuy vậy, các yếu tố tâm lý, sinh lý liên quan tới cơ địa và chu trình sinh học chưa được quan tâm đánh giá đầy đủ, nhất là ở lao động nữ;

- Các nghiên cứu chuyên sâu về ATLĐ lâu nay đều xuất phát từ nghiên cứu sự kiện, hiện tượng MẤT AN TOÀN trong lao động, sản xuất. Từ đó phân tích các nguyên nhân dẫn đến tai nạn và đưa ra các giải pháp ngăn chặn, loại trừ chúng.

Đây là cách tiếp cận truyền thống. Về tư duy phương pháp và học thuật, cách tiếp cận này tập trung vào KỸ THUẬT AN TOÀN. Đối tượng nghiên cứu không trực tiếp là sự an toàn – mức được bảo vệ của NLĐ. Đã đến lúc chúng ta cần chuyển trọng tâm nghiên cứu sang đối tượng được bảo vệ là con người và tài sản. Về tư duy phương pháp và học thuật, cần tập trung vào AN TOÀN KỸ THUẬT, tức tổ chức sản xuất phải dựa vào các thiết bị công nghệ, mà an toàn cho người sử dụng là thuộc tính tự thân của chúng. Đảm bảo an toàn cho NLĐ không phụ thuộc vào các kịch bản tai nạn, nguyên nhân xảy ra tai nạn hay sự cố. Đây là bước chuyển tất yếu, phù hợp của các nhà chế tạo máy, thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất tích hợp với trí tuệ nhân tạo, ứng xử theo chiến lược tư duy của con người và trình tự các ưu tiên được thay đổi linh hoạt [2];

- Đối với việc tuân thủ các quy định về sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) và phương tiện bảo vệ tập thể (PTBVTT), từ góc độ quản lý Nhà nước, để các quy định và hướng dẫn kỹ thuật khả thi, chúng ta cần nghiên cứu chỉ ra phương thức sử dụng hiệu quả PTBVCN và PTBVTT. Lâu nay, việc này không được chú ý thỏa đáng, mặc nhiên coi đưa ra được các yêu cầu, quy định là đủ. Cụ thể thực hiện như thế nào là do doanh nghiệp hoàn toàn quyết định [1, 2]. Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp mua sắm, cấp phát PTBVCN và PTBVTT chưa đúng, chưa đảm bảo tính năng bảo vệ, thiếu giám sát trong quá trình sử dụng của NLĐ. Đôi khi chỉ thực hiện cho có hình thức;

- Khi sự cố kép mang tính tự nhiên-công nghệ xảy ra thì việc áp dụng mô hình xích Markov phân tích xác suất sự kiện xảy ra phụ thuộc vào sự kiện trước đó tỏ ra thiếu chính xác. Cần kết hợp với việc sử dụng các mô hình phi tuyến để đánh giá diễn biến các tình huống sự cố, từ đó có các phương án can thiệp kịp thời và hiệu quả hơn [2].

5. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU MỚI TRONG LĨNH VỰC VỆ SINH LAO ĐỘNG

- Cho đến nay, việc phân loại lao động chủ yếu căn cứ vào năng lượng tiêu hao và các tác động có hại đối với sức khỏe lao động. Việc đánh giá, phân loại lao động trí óc nói chung chưa được quan tâm nghiên cứu thỏa đáng không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả trên thế giới. Trong thời gian từ nay đến 2030 chúng ta cần từng bước khắc phục tồn tại này một cách chủ động, không nên quá phụ thuộc vào các nghiên cứu trên thế giới;

- Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều nghề, công việc sẽ mất đi – nhường chỗ cho robot tự động. Xuất hiện nghiều nghề mới đòi hỏi sự tập trung cao độ, trách nhiệm cao về sự chính xác đồng thời với kỷ luật thao tác, nhưng chính những điều này lại tạo ra sự đơn điệu về lao động thể lực v.v. [6]. Tất cả những điều này gây ra sự căng thẳng và tác hại chưa được biết đến đầy đủ, có thể gây ra nguy cơ mới đối với sức khỏe tâm thần nói chung. Do vậy, phải nghiên cứu phát hiện vấn đề và đi sâu luận giải chúng, làm cơ sở cho việc xây dựng các chế độ chính sách và đặt ra những yêu cầu mới để phòng ngừa, ngăn chặn tác hại của chúng;

- Nhiều công đoạn sản xuất phát sinh ra nhiều yếu tố độc hại/nguy hiểm mới, tác động đồng thời lên người lao động, tuy có thể ở nồng độ thấp nhưng tác động khuếch đại – tổng hợp của chúng lại có thể gây ra tác hại khôn lường không những đối với sức khỏe hiện tại của NLĐ, mà còn có thể làm sai lệch cấu trúc và cơ chế di truyền, để lại hậu quả cho các thế hệ mai sau nữa. Như vậy, cần nghiên cứu cơ chế tác động phối hợp của các tác nhân độc hại/nguy hiểm mới, khác nhau về bản chất hóa, lý, sinh, v.v., từ đó đưa ra các yêu cầu đảm bảo vệ sinh lao động theo hệ thống tiêu chí mới và tiêu chuẩn mới (không phải là các giới hạn tối đa cho phép đơn lẻ như lâu nay);

- Sự hình thành điều kiện lao động có thể dẫn đến bệnh nghề nghiệp mới. Mặt khác, cơ chế tác động của các yếu tố nghề nghiệp ngày một phức tạp và quan hệ nhân-quả trong quá trình hình thành bệnh nghề nghiệp cũng càng ngày càng phức tạp theo. Cần nghiên cứu nhận dạng bệnh nghề nghiệp mới và các chiến lược phòng ngừa, can thiệp hiệu quả, v.v.;

- Đối với ảnh hưởng tiêu cực của điều kiện lao động, biện pháp y học lao động được phân thành 2: loại mang tính dự phòng và loại mang tính phục hồi. Đối với một số lao động có tuổi nghề và tuổi đời khác biệt, hiệu quả của các biện pháp dự phòng và các biện pháp phục hồi là khó tách biệt, nhất là khi chúng được thực hiện ngoài thời gian lao động. Đây là loại vấn đề ít được quan tâm một cách thỏa đáng.

6. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VÀ NỘI DUNG MỚI TRONG NGHIÊN CỨU AN TOÀN MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

- Môi trường lao động được giới hạn là không gian trong đó diễn ra quá trình lao động và tác động của các tác nhân hóa học, vật lý học và sinh học v.v., phát sinh và tồn tại trong quá trình lao động sản xuất lên người lao động. Ngoài ra, môi trường lao động còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố xã hội, tự nhiên khác nữa. Trong nhiều trường hợp chúng ta còn đơn giản hóa, sử dụng giới hạn tiêu chuẩn cho phép như một đơn vị đánh giá mức độ nặng nhẹ của tình trạng ô nhiễm (gấp bao nhiêu lần tiêu chuẩn cho phép? v.v.). Việc đảm bảo các yêu cầu vệ sinh đối với môi trường lao động phải được coi như điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ như lâu nay;

- Ảnh hưởng tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0 là thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa tích hợp trí tuệ nhân tạo, thông minh. Điều này đi liền với công nghệ điều khiển và can thiệp. Trong MTLĐ tất yếu xuất hiện các sung sóng điều khiển đa dạng, khác nhau về dải tần cũng như về sự phức hợp [1, 2, 6]. Không thể loại trừ tác hại của chúng một cách mặc định, cả tin (nhất là sự phối hợp giữa chúng với các tác nhân có hại khác dù ở liều rất thấp) lên cơ thể người lao động;

- Nhận thức rằng, tác động có hại của các tác nhân có nồng độ (hay cường độ, hay mức tác động) thấp hơn tiêu chuẩn đơn lẻ cho phép vẫn chưa đảm bảo an toàn môi trường lao động, khi chúng có mặt và tác động đồng thời lên người lao động – nhưng nghiên cứu làm rõ mức nguy hại của chúng như thế nào? cơ chế tác động tích lũy và kích hoạt lẫn nhau giữa chúng ra sao? v.v.., chưa được quan tâm ở Việt Nam (và phần nào cả trên thế giới nữa!!);

- Do những hạn chế nêu trên, các giải pháp đảm bảo an toàn môi trường lao động được áp dụng có thể không đạt được hiệu quả thực sự. Chưa có các giải pháp đảm bảo môi trường lao động đơn lẻ nào có sự phối hợp và tính đến hiệu quả của các giải pháp đảm bảo môi trường lao động khác (chống ồn có tính đến chống bụi, chống hơi khí độc; chiếu sáng có tính đến chống nóng, chống ồn và chống ẩm; v.v.), lại càng không tính đến hiệu quả của các giải pháp phương tiện bảo vệ cá nhân, bảo vệ tập thể và bảo vệ tài sản v.v.;

- Đảm bảo an toàn môi trường lao động trong một số công trình đặc biệt, trong các tình huống đặc thù, hoặc đối với lao động đặc thù v.v. chưa được quan tâm đầy đủ. Ví dụ, môi trường lao động trong các công trình ngầm; lao động phục vụ chiến đấu; hay ví dụ, chủ trương phát triển kinh tế biển đặt ra cho chúng ta những nội dung nghiên cứu và ứng dụng rất mới và đa dạng (mặc dù không phải chúng ta xuất phát từ số không) v.v.;

Những vấn đề mới đặt ra ở trên đòi hỏi áp dụng những phương pháp tiếp cận mới và khái quát mới trong quá trình nghiên cứu, giải quyết chúng. Chẳng hạn:

+ Áp dụng phương pháp phân tích hệ thống, trong đó sử dụng các mô hình và chiến lược ra quyết định trong trường hợp thông tin không đầy đủ;

+ Sử dụng phương pháp mô hình hóa quan hệ nhân-quả trong phân tích, mô tả và nghiên cứu biểu hiện của các hệ thống phức tạp, thông minh, tự tổ chức và tự điều chỉnh;

+ Việc áp dụng các mô hình khoảng trong mô tả và biểu diễn các đại lượng đặc trưng cho chất lượng môi trường lao động, tập hợp các trạng thái hóa học, vật lý học và sinh học cho phép lượng hóa và liên tục hóa các quá trình đa chiều, đa chuẩn số, kể cả liên quan tới mô tả các đặc trưng tâm, sinh lý chủ quan và “đường mòn biểu đạt” của người lao động trong nhiều tình huống.

7. KẾT LUẬN

Trên đây, tác giả nêu ra một số vấn đề mới để qua đó, đóng góp một tầm nhìn tích hợp, hội nhập và phát triển. Tuy vắn tắt nhưng nếu được quan tâm thỏa đáng từ phía các nhà nghiên cứu và quản lý thì các vấn đề được nêu sẽ mở ra những hướng nghiên cứu mới, có giá trị khoa học và thực tiễn trong thời kỳ phát triển hội nhập giai đoạn 2030 và tầm nhìn 2050.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đỗ Trần Hải, (2013), "Một số thách thức mang tính chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng đảm bảo An toàn và Vệ sinh lao động trong giai đoạn hiện nay". Hội thảo: “Xây dựng chiến lược khoa học công nghệ An toàn Vệ sinh lao động giai đoạn đến 2020 tầm nhìn 2030”. Tp. HCM.

[2]. Phạm Quốc Quân, (2017), "Nghiên cứu cơ sở khoa học đánh giá độ an toàn của các hệ thống kỹ thuật - công nghệ và đề xuất một số giải pháp chính giảm thiểu nguy cơ sự cố gây tai nạn lao động, ô nhiễm đột ngột, nghiêm trọng môi trường lao động trong một số loại hình sản xuất công nghiệp". Báo cáo tổng kết toàn diện đề tài. Hà Nội.

[3]. Котельников Г. А., "Теоретическая и прикладная синергетика", М.: Изд-во РАГС, 2000г.

[4]. Стивен Манн, "Теория хаоса и стратегическое мышление", Геополитика.ру, 2006г.

[5]. Урсул А. Д. "Перспективы выживания цивилизации: космоэкологический аспект" //Философские науки, 1989г., № 8. стр. 3-12.

[6]. Клаус Шваб, "Четвертая промышленная революция" – Русский перевод, ЭКСМО, М.: Изд. БОМБОРА, 2016.

 

TS. Đỗ Trần Hải

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

Tìm kiếm bài viết

Video

Ảnh hoạt động

IMG_8493 IMG_8515F IMG_8505 IMG_8488 IMG_8498 20150504_102136 20151212_151529 Ly mu cc yu t c hi khu vc may

Thông tin liên hệ

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Địa chỉ: 99 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Điện thoại: (+8424) 22172473; 22172480 - Fax: (8424) 3822 3011

Hotline: 0941042838

Email: moitruonglaodong@vnniosh.vn 

Website: https://Wemos.vn/

Cơ quan quyết định thành lập: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cơ quan quản lý trực tiếp: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

 

Dịch vụ

Thế mạnh đơn vị

Bản đồ

Thông tin được đăng tải có tính chất tham khảo, không có giá trị về mặt pháp lý

  • zalo-circle