Hiện số lượng cán bộ y tế khoảng gần 500 ngàn người đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 100 triệu dân trong cả nước. Việc đảm bảo môi trường làm việc và sức khỏe NLĐ cho nhân viên y tế (NVYT) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nhân lực công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nghề y là nghề đặc thù, nhân lực y tế phải đặc biệt để đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, trong đó có vấn đề nhận thức, thay đổi hành vi của người sử dụng lao động và NLĐ trong các cơ sở y tế (CSYT), đảm bảo ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ y tế.
Nhiều nguy cơ lây bệnh
Y tế là ngành lao động đặc thù, hầu hết các NVYT phải làm việc trong điều kiện có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tùy thuộc vào mỗi loại hình lao động, mỗi vị trí công việc có các yếu tố khác nhau gây nguy hại đến sức khỏe NLĐ. Trong môi trường lao động của cán bộ y tế, các yếu tố có hại thường gặp nhất là yếu tố nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật, bên cạnh đó là các yếu tố bức xạ ion hóa, yếu tố hóa học bao gồm các hóa chất, trong đó có hóa chất dùng để khử khuẩn, chẩn đoán, điều trị, yếu tố ecgônômi (tư thế làm việc bất hợp lý) và các yếu tố khác như nóng, ồn. Ngoài ra cán bộ y tế còn phải làm việc theo ca kíp, làm việc ca đêm chưa kể các yếu tố căng thẳng thần kinh tâm lý phát sinh trong công việc.
Nguy cơ lây nhiễm thường gặp do tiếp xúc với bệnh nhân hoặc máu/chế phẩm của máu, dịch tiết bị nhiễm mầm bệnh hoặc động vật sống bị nhiễm bệnh, nguy cơ bị muỗi, ve, bọ chét, mạt, côn trùng cắn đốt. Các nhóm nghề có nguy cơ cao bao gồm: Các nha sĩ, điều dưỡng, NVYT làm trong lĩnh vực chăm sóc, điều trị, xét nghiệm tại các bệnh viện, các phòng thí nghiệm, các CSYT, những người làm việc tại nhà xác; NLĐ làm các công việc phải tiếp xúc với động vật tại các phòng thí nghiệm động vật, các viện nghiên cứu, chế xuất vắc xin và sản xuất dược phẩm; NVYT làm công tác phòng, chống dịch, thường xuyên đến các vùng có các vật chủ trung gian truyền bệnh như bọ chét, ve, mò mạt, muỗi, côn trùng gây bệnh; NVYT làm việc phải thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế (vật sắc nhọn, phân, đờm, nước tiểu…) như nhân viên thu gom rác, điều dưỡng, y công…
Các nguy cơ không lây nhiễm có thể kể đến trong môi trường làm việc của cán bộ y tế là các yếu tố vật lý như bức xạ ion hóa, nóng, tiếng ồn, các hóa chất dùng trong các CSYT. Các NVYT như nhân viên Xquang, khoa y học hạt nhân, xạ trị, các khoa xét nghiệm và điều trị có sử dụng chất phóng xạ, như định lượng một số hócmon, điều trị bệnh ung thư…, tiếp xúc nhiều với bức xạ ion hóa. Các hóa chất phổ biến trong các CSYT là các hóa chất sát trùng và khử khuẩn như: chlorine, iodine, formaldehyde…, hóa chất sử dụng trong các phòng xét nghiệm sinh hóa, huyết học, tế bào…, dược liệu, thuốc các loại sử dụng trong khám chữa bệnh cũng đều có bản chất hóa học như: Chất gây mê, gây tê, các hóa chất chữa ung thư, thuốc an thần, kháng sinh…
Nhiều loại là độc dược thuộc bảng A. Tiếp xúc với các hóa chất này có một số tác hại như kích thích mắt và niêm mạc, đau đầu và khó thở, kích thích da, dị ứng da… và có thể gây ung thư như formaldehyde. Viêm da tiếp xúc dị ứng và hen được báo cáo ở các NVYT do tiếp xúc nghề nghiệp không thường xuyên hoặc vô tình với glutaraldehyde. Tiếp xúc Ôxit Nitơ (N2O) được sử dụng là chất khí gây mê trong phẫu thuật bên cạnh các chất halogen có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cho các nhân viên phòng mổ như tăng nguy cơ sảy thai ở nhân viên nữ.
Theo yêu cầu của công việc, hầu hết NVYT, đặc biệt trong các bệnh viện đều phải làm việc theo chế độ ca kíp, làm đêm để đảm bảo chế độ làm việc 24/24 giờ. Làm việc ban đêm dễ bị thiếu ngủ, giấc ngủ sau ca đêm thường là ngắn hơn. Nghiên cứu của Takayuki (năm 2001) ở 875 điều dưỡng của 5 bệnh viện ở Nhật Bản cho thấy 29,2% bị rối loạn giấc ngủ, cao hơn 3-4 lần so với quần thể chung. Công tác điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân đòi hỏi NVYT làm việc với nhiều tư thế khác nhau, cố định trong thời gian dài có thể gây đau lưng, rối loạn cơ xương khớp. NVYT thuộc hệ ngoại khoa thường xuyên phải làm việc trong tư thế đứng kéo dài khi thực hiện các ca phẫu thuật, bác sĩ nha khoa luôn phải cúi vặn người khi khám và điều trị bệnh nhân, điều dưỡng luôn phải cúi hoặc vặn người khi tiêm, chăm sóc vết thương trên giường bệnh, nâng nhấc, vận chuyển bệnh nhân, các kỹ thuật viên làm việc trong tư thế ngồi kéo dài để làm các xét nghiệm… Khảo sát thực trạng sức khỏe NLĐ tại 10 bệnh viện và một số yếu tố liên quan năm 2018 của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ y tế cho thấy tỷ lệ cán bộ y tế phải trực trên 1 lần/tuần chiếm 34%, gần 50% trực 1 tuần/lần; 24% làm việc với thời gian từ 8-12 giờ/ngày.
Hầu hết NVYT làm việc tại các khoa, phòng trong bệnh viện đều chịu các yếu tố gây stress trong lao động, đặc biệt là NVYT tại các khoa điều trị tích cực, khoa bỏng, khoa cấp cứu, khoa ngoại, khoa truyền nhiễm, khoa sản… Những điều kiện lao động gây stress là công việc quá tải (như số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh hàng ngày quá nhiều, lượng mẫu xét nghiệm trong ngày quá lớn…), tiếp xúc với nhiều người (bệnh nhân và người nhà bệnh nhân), với nhiều loại bệnh nguy hiểm tiềm ẩn, luôn luôn lo lắng bị lây nhiễm các bệnh nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các NVYT làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân có nguy cơ bị stress và các vấn đề tâm lý cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác.
Công tác bảo đảm ATVSLĐ được quan tâm
Công tác đảm bảo ATVSLĐ cho cán bộ y tế đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như Công đoàn Y tế Việt Nam hết sức quan tâm.
– Hệ thống các văn bản pháp luật được xây dựng đồng bộ và được các cấp, các ngành, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam cùng các cơ quan chức năng phối hợp triển khai rộng rãi tới các đơn vị, đoàn viên, NLĐ trong toàn ngành.
– Khoản 1, Điều 43 Luật Khám chữa bệnh năm 2023 cũng đã quy định rõ quyền của người hành nghề khám, chữa bệnh là được bảo đảm ATVSLĐ khi làm việc theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
– Việc đảm bảo ATVSLĐ cho cán bộ y tế là một trong những ưu tiên trọng tâm trong Chương trình quốc gia về Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chồng bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 659/QĐ-TTg.
– Công tác truyền thông nâng cao nhận thức được chú trọng thông qua việc phối hợp giữa Bộ Y tế và Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức các cuộc thi trực tuyến, trực tiếp cho NLĐ trong Ngành Y tế; thành lập các tổ tư vấn pháp luật cho NLĐ; xây dựng cẩm nang; lập các chuyên mục hỏi đáp trên Cổng Thông tin điện tử của Công đoàn Y tế Việt Nam.
– Nhận thức của người sử dụng lao động những năm qua đã có sự thay đổi rõ rệt, về cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước đầu tư và nâng cấp, điều kiện làm việc ngày một cải thiện, sức khỏe NLĐ ngày một đảm bảo. Báo cáo của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cho thấy trên 55% đơn vị thực hiện lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, gần 70% các đơn vị đã thực hiện quan trắc đánh giá môi trường lao động hằng năm. Trên 90% các đơn vị đã thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Trên 40% đơn vị thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, 60% đơn vị thực hiện huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ theo quy định.
– Ý thức tuân thủ pháp luật trong công tác ATVSLĐ của NLĐ ngành Y tế ngày một nâng cao hơn. Đặc biệt các vụ tai nạn lao động trong ngành Y tế xảy ra ở mức độ ít, chủ yếu tai nạn lao động nhẹ so với nhiều ngành nghề khác.
– Kinh phí dành cho công tác ATVSLĐ đã được đưa vào quy định để tính giá dịch vụ y tế.
– Công tác tự kiểm tra và kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường.
Nhiều thách thức trong bảo đảm môi trường làm việc
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác đảm bảo môi trường làm việc và sức khỏe cho cán bộ y tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bùng phát trong thời gian tới là hiện hữu và làm tăng nguy cơ, rủi ro đối với cán bộ y tế. Còn nhiều CSYT chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ cho cán bộ y tế. Công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về công tác ATVSLĐ phòng, chống bệnh nghề nghiệp chưa được quan tâm, coi trọng và thực hiện còn mang tính hình thức, phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra nên chất lượng chưa cao mới tập trung chủ yếu ở Tháng Hành động về ATVSLĐ.
Việc quản lý, giám sát chất lượng khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và quan trắc môi trường lao động tại một số đơn vị, doanh nghiệp còn có những hạn chế. Số NLĐ được khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp chưa cao; kết quả quan trắc môi trường lao động chưa được đánh giá đúng mức độ tiềm ẩn của các yếu tố có hại trong môi trường lao động. Công tác nâng cao sức khỏe cho cán bộ y tế chưa được quan tâm, đầu tư. Vẫn còn các trường hợp cán bộ y tế bị mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động được ghi nhận.
Nâng cao công tác an toàn, sức khỏe lao động
Để có thể thực hiện tốt hơn nữa công tác ATVSLĐ cho cán bộ y tế trong tình hình mới, trong thời gian tới Bộ Y tế phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai các hoạt động như:
– Ưu tiên tiêm vắc xin phòng các bệnh lây nhiễm có vắc xin phòng bệnh cho cán bộ y tế như vắc xin cúm, viêm gan A, B, C, sốt xuất huyết…
– Tổ chức thực hiện các chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe cho cán bộ y tế ngay tại các CSYT.
– Hướng dẫn cho các CSYT tự kiểm tra công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho cán bộ y tế phù hợp với đặc thù của ngành y và có các hướng dẫn chuyên sâu như hướng dẫn đảm bảo ATVSLĐ cho cán bộ y tế trong phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp.
– Chỉ đạo hướng dẫn bữa ăn ca đảm bảo dinh dưỡng, thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ y tế làm công việc có yếu tố nguy hiểm, có hại hiểm theo đúng quy định.
– Thường xuyên tổ chức tập huấn và cập nhật văn bản quy định của pháp luật về chế độ chính sách cho các đơn vị nói chung và chế độ chính sách trong chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và cán bộ y tế bằng nhiều hình thức.
– Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các CSYT thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.
PGS. TS. Lương Mai Anh
Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế