logo_tram.jpg

ISO 9001:2015

VIMCERTS 025

 

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

NATIONAL WORKING ENVIRONMENT MONITORING STATION

 

vilas1.png

VILAS 441

Trang chủ»Tin tức sự kiện»Môi trường & điều kiện lao động»Những yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ phương tiện bảo vệ cá nhân trên công trường xây dựng

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ phương tiện bảo vệ cá nhân trên công trường xây dựng

Phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) là giải pháp cuối cùng dùng để bảo vệ người lao động (NLĐ) phòng tránh những mối nguy hiểm có hại tại nơi làm việc. Dù vậy, PTBVCN vẫn giữ một vị trí khá quan trọng trong việc bảo vệ NLĐ ở nhiều vị trí khi làm việc. Tuy nhiên, sự tuân thủ quản lý và sử dụng PTBVCN trong lao động sản xuất còn rất nhiều vấn đề đáng được quan tâm. Qua điều tra, khảo sát nhận thấy, sự tuân thủ về PTBVCN sẽ phụ thuộc vào những yếu tố liên quan đến NLĐ và những yếu tố liên quan đến chính sách quản lý. Bài viết này sẽ trình bày về những yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ sử dụng PTBVCN trên công trường xây dựng.

 I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hàng năm có khoảng 2,3 triệu NLĐ chết vì tai nạn liên quan đến công việc, 160 triệu NLĐ bị bệnh nghề nghiệp và 313 triệu NLĐ phải điều trị vì các tai nạn liên quan [11]. Tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động thương binh và Xã hội [9], riêng trong năm 2021 đã có 5.797 TNLĐ, làm 5.910 bị nạn, 602 người chết. Trong đó số NLĐ không sử dụng PTBVCN và thiết bị an toàn được trang bị chiếm 2,65% tổng số số vụ TNLĐ và 2,56% tổng số người chết. Riêng ngã từ trên cao, rơi (mà chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng, sửa chữa) chiếm 21,24% tổng số vụ TNLĐ và 20,51% tổng số người chết. Theo số liệu của Bộ y tế [7] được ghi nhận tại cơ sở y tế của 63 tỉnh/thành phố giai đoạn 2016 – 2020, có 2120 trường hợp NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp, bệnh chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam là các bệnh do môi trường lao động bị ô nhiễm và NLĐ không sử dụng hoặc sử dụng không đúng các PTBVCN như: Bệnh điếc do tiếng ồn (59,5%) và bệnh bụi phổi (29,0%).

Mặc dù có nhiều khuyến nghị, hướng dẫn và sự phổ biến các phương pháp nhận diện các mối nguy liên quan đến sức khỏe, NLĐ vẫn chưa tuân thủ đầy đủ những quy tắc an toàn. Văn hóa an toàn và môi trường làm việc có thể làm giảm tỷ lệ thương tật, bệnh tật và tử vong trên các công trường xây dựng. Văn hóa an toàn được phát triển bằng cách cải thiện giao tiếp tại nơi làm việc, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tôn trọng nhận thức chung về tầm quan trọng của việc thực hiện an toàn và tuân thủ PTBVCN. Việc không tuân thủ sử dụng PTBVCN ở NLĐ nói chung dẫn đến gia tăng thương tích và bệnh tật [11]. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy liên quan giữa yếu tố sự tuân thủ sử dụng PTBVCN giúp ngăn ngừa bệnh do da phơi nhiễm với hóa chất [12], tiếp xúc với lưu huỳnh đioxit tại làng nghề [13], sự tuân thủ PTBVCN của nhân viên y tế ở những nơi có nguy cơ cao giúp hạn chế sự lây truyền của bệnh dịch, sự tuân thủ PTBVCN của công nhân xây dựng giúp giảm thiểu các sự cố mất an toàn tại công trường [10], là những nghiên cứu nổi bật được đề cập trong thời gian gần đây.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu về PTBVCN mới chỉ liên quan đến vấn đề xây dựng tiêu chuẩn và hệ thống thiết bị kiểm soát chất lượng PTBVCN [1-6,8]. Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi ngành nghề, với điều kiện của khí hậu Việt Nam và đặc biệt là tiềm lực kinh tế của từng doanh nghiệp, tổ chức, các kết quả nghiên cứu về sự tuân thủ PTBVCN, sử dụng PTBVCN đúng cách và phát huy tối đa hiệu quả của chúng vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể về “những yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ PTBVCN của NLĐ làm việc trên công trường xây dựng”, đây là nội dung khá quan trọng trong nghiên cứu về hiệu quả quản lý và sử dụng PTBVCN trong ngành xây dựng.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ PTBVCN tại công trường xây dựng, nhóm thực hiện đã thiết kế một bảng câu hỏi phỏng vấn sâu, điều tra về sự tuân thủ PTBVCN trên đối tượng là những công nhận xây dựng tại công trường. Tổng số 168 mẫu phiếu được phỏng vấn ngẫu nhiên về các yếu tố liên quan đến hành vi của công nhân xây dựng cũng như chính sách quản lý được thu thập trực tiếp tại các công trường xây dựng khu vực Hà Nội.

Các yếu tố độc lập được xem xét là tuổi, kiến ​​thức, thâm niên công tác, tình trạng cấp phát PTBVCN, cũng như các yếu tố phần thưởng và hình phạt cho sự tuân thủ PTBVCN. Tuân thủ PTBVCN là biến số kết quả được tính bằng tỷ lệ phần trăm người được hỏi đội mũ ATCN, sử dụng dây an toàn, giầy an toàn, bảo vệ và lao động chuyên dụng và quần áo bảo hộ lao động.

Số liệu được tổng hợp và xử lý bằng phần mền SPSS phiên bản 24. Kết quả được lập bảng bằng cách sử dụng phân phối tần số và giá trị trung bình với độ lệch chuẩn. Mô hình hồi quy logistic được sử dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ PTBVCN. Kết quả phân tích hồi quy được trình bày dưới dạng tỷ suất chênh (OR) với khoảng tin cậy 95% và mức ý nghĩa kỳ vọng p <0,05.

3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Nghiên cứu những yếu tố ảnh hướng tới sự tuân thủ sử dụng PTBVCN chính là nghiên cứu về sự hiểu biết, thái độ và hành vi sử dụng chúng như thế nào trong lao động, sản xuất. Các khái niệm hiểu biết, thái độ và hành vi có liên quan với nhau và không dễ để tách chúng ra. Để đánh giá toàn diện các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động, không thể bỏ qua các yếu tố liên quan đến việc tuân thủ PTBVCN, các yếu tố liên quan đến NLĐ (độ tuổi, trình độ/sự hiểu biết và thâm niên công tác và tình trạng hôn nhân); Các yếu tố liên quan đến chính sách quản lý (chính sách quản lý PTBVCN, khen thưởng và xử phạt khi sử dụng PTBVCN).

3.1. Các yếu tố liên quan đến người lao động

Những yếu tố liên quan đến NLĐ như: Độ tuổi, thâm niên công tác, tình trạng hôn nhân, sự hiểu biết về mối nguy trong môi trường lao động, biết cách sử dụng PTBVCN, sự phù hợp của PTBVCN và bảo vệ được NLĐ.

Bảng 1. Đặc điểm chung của người được khảo sát

Yếu tố khảo sát

Số lượng

Tỉ lệ

(%)

Yếu tố khảo sát

Số lượng

Tỉ lệ

(%)

Nhóm tuổi

168

100,0

Tình trạng

cấp phát

168

100,0

≤ 30 tuổi

77

45,8

Không

38

22,6

> 30 tuổi

91

54,2

130

77,4

Thâm niên

168

100,0

Giám sát sử dụng

168

100,0

<=2

53

31,5

Không

34

20,2

>2

115

68,5

134

79,8

Tình trạng hôn nhân

168

100,0

Phần thưởng

168

100,0

Không

22

13,1

Không

37

22,0

146

86,9

131

78,0

PTBVCN bảo vệ NLĐ

168

100,0

Hình phạt

168

100,0

Không

35

20,8

Không

137

81,5

133

79,2%

31

18,5%

Biết cách sử dụng

168

100,0

Sự tuân thủ

168

100,0

Không

33

19,6%

Không

36

21,4%

135

80,4%

132

78,6%

Nhận biết mối nguy

168

100,0

Phù hợp

168

100,0

Không

31

18,5%

Không

32

19,0%

137

81,5%

136

81,0%

Kết quả tại Bảng 1 cho thấy, trong số 168 người được khảo sát, có đến 68,5% NLĐ đã làm việc ít nhất 2 năm trở lên, có 20,8% hiểu biết kém về PTBVCN như PTBVCN không bảo vệ được NLĐ, không cần biết cách sử dụng chúng là 19,6%, NLĐ không được cấp phát PTBVCN là 22,6%, không có sự giám sát bởi nhà quản lý là 20,2%, có 22,0% số người được hỏi trả lời không nên được thưởng khi tuân thủ cũng như không bị trừng phạt khi không tuân thủ với tỷ lệ cao là 81,5%. Đặc biệt, tỷ lệ tuân thủ là 78,6%. Hình 1, biểu diễn phân bố chuẩn của độ tuổi và thâm niên công tác của 168 người được phỏng vấn.

T.Thuy

3.1.1. Mối tương quan giữa các yếu tố khảo sát và sự tuân thủ PTBVCN

Bảng 2. Phân tích mối tương quan về độ tuổi, kiến thức, cung cấp PTBVCN, khen thưởng, xử phạt đối với sự tuân thủ PTBVCN

Các yếu tố

p - value

Hệ số

tương quan

Ghi chú

Tuổi

<0,0001

-0,564

Tương quan nghịch, mức độ trung bình

Thâm niên

0,0014

0,240

Tương quan thuận, mức độ yếu

PTBVCNbaoveNLĐ

<0,0001

0,839

Tương quan thuận, mức độ chặt chẽ

Biết cách sử dụng

<0,0001

0,764

Tương quan thuận, mức độ chặt chẽ

Nhận biết mối nguy

<0,0001

0,761

Tương quan thuận, mức độ chặt chẽ

Phù hợp

<0,0001

0,744

Tương quan thuận, mức độ chặt chẽ

Tình trạng cấp phát

<0,0001

0,758

Tương quan thuận, mức độ chặt chẽ

Giám sát sử dụng

<0,0001

0,820

Tương quan thuận, mức độ chặt chẽ

Đánh giá định kỳ

-

0,000

Không có mối tương quan

Phần thưởng

<0,0001

0,878

Tương quan thuận, mức độ chặt chẽ

Hình phạt

<0,0001

-0,911

Tương quan nghịch, mức độ chặt chẽ

 

Kết quả thể hiện trong bảng 2 cho thấy, hầu hết các yếu tố khảo sát đều có mối tương quan chặt chẽ đối với yếu tố sự tuân thủ PTBVCN, đặc biệt yếu tố “Hình phạt” có mối tương quan nghịch và chặt chẽ đối với sự tuân thủ PTBVCN. Tuy nhiên, yếu tố “Đánh giá định kỳ” không quan sát thấy có mối tương quan đối với sự tuân thủ. Điều này có thể được giải thích do hầu hết các công trường xây dựng đều không làm tốt công tác đánh giá định kỳ, do đó hầu như không có sự ảnh hưởng đối với tình trạng tuân thủ PTBVCN.

Khác với các yếu tố trên, “Tuổi” và “Thâm niên công tác” có mối tương quan mức độ trung bình, yếu đối với tình trạng tuân thủ PTBVCN (hệ số tương quan lần lượt là -0,564 và 0,240). Để đánh giá rõ hơn ảnh hưởng của hai yếu tố trên, cần phân nhóm độ tuổi và thâm niên công tác và xem xét ảnh hưởng đối với sự tuân thủ sử dụng PTBVCN.

3.1.2. Mối liên quan giữa độ tuổi và sự tuân thủ PTBVCN

Bảng 3. Liên quan giữa sự tuân thủ và độ tuổi

Sự tuân thủ

Tuổi (năm)

p - value

≤ 30

> 30

Không

4 (5.2%)

32 (35.2%)

< 0,0001

73 (94.8%)

59 (64.8%)

Tổng

77 (100,0%)

91 (100,0%)

OR (95% CI)

9,90 (3,31 – 29,58)

Kết quả ở bảng 3 cho thấy, với nhóm người trẻ hơn (độ tuổi dưới 30) có tỉ lệ tuân thủ PTBVCN cao hơn so với nhóm tuổi trên 30 (94,8% so với 64,8%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05). Hơn nữa, ở nhóm NLĐ có độ tuổi dưới 30 có khả năng đạt được “sự tuân thủ” cao gấp 9,90 lần so với nhóm NLĐ có tuổi trên 30 tuổi. Điều này có nghĩa, NLĐ trong độ tuổi dưới 30 có sự tuân thủ PTBVCN tốt hơn so với NLĐ có tuổi trên 30. Điều này có thể liên quan đến các yếu tố về nhận thức cá nhân, quan niệm về làm nghề của mỗi công nhân, nhà quản lý có thể căn cứ vào đây để có những biện pháp tập huấn, giám sát phù hợp đối với từng đối tượng công nhân cụ thể.

3.1.3. Mối liên quan giữa thâm niên công tác và sự tuân thủ PTBVCN

Thâm niên được phân nhóm dựa trên giá trị cut-off là 2 năm công tác, đây là số năm có sự phân chia tương đối của những công nhân mới nhận việc và thợ lành nghề đối với đặc thù ngành xây dựng. Kết quả thể hiện tại bảng 4 cho thấy, nhóm NLĐ có sự tuân thủ PTBVCN chiếm đa số là những người có thâm niên lâu năm hơn >2 năm với tỉ lệ 75,0% (99/132 người). Trong khi đó, ở nhóm không có sự tuân thủ PTBVCN chiếm 55,6% là những người có thâm niên dưới 2 năm (20/36 người). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,0005.

Bảng 4. Liên quan giữa sự tuân thủ và thâm niêm công tác

Sự tuân thủ

Thâm niên (năm)

Tổng số

p - value

≤ 2

> 2

Không

20 (55,6)%)

16 (44,4%)

36 (100%)

0,0005

33 (25.0 %)

99 (75.0%)

132 (100%)

OR (95% CI)

3,75 (1,74 – 8,07)

Thâm niên càng cao thì có sự tuân thủ càng tốt, nhóm đối tượng có thâm niên làm việc > 2 năm có khả năng đạt sự tuân thủ cao hơn 3,75 lần so với những người mới làm việc thâm niên < 2 năm, (p = 0,0007 << 0,05). Tuổi nghề càng tăng cho khả năng tuân thủ càng cao, từ đó năng suất lao động được nâng cao, điều này là do các yếu tố như kiến thức và thời gian làm việc lâu hơn, được mở rộng kiến thức về PTBVCN thông qua đào tạo, cải thiện kỹ năng an toàn trong môi trường lao động. Phát hiện này cho thấy thời gian làm việc là một yếu tố góp phần đáng kể vào nhận thức về tuân thủ PTBVCN.

3.1.4. Ảnh hưởng của các yếu tố khảo sát đối với tình trạng tuân thủ PTBVCN

Bảng 5. Phân tích hồi quy đa biến về các yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ PTBVCN

Yếu tố

B

S.E.

Wald

Df

Sig.

Exp (B)

95% CI

Tuổi

-0,048

0,068

0,503

7

0,478

0,953

0,833 -  1,090

Thâm niên

0,0396

0,224

0,03109

7

0,860

1,040

0,670 -  1,615

PTBVCN bảo vệ NLĐ

18,831

8130,146

0,000

7

0,998

1510,000

-

Biết cách SD

3,555

1,014

6,419

7

0,004

34,987

3,092 – 395,910

Nhận biết MN

2,570

1,170

3,411

7

0,011

13,067

1,789 -  95,420

Phù hợp

2,161

1,515

5,434

7

0,065

8,682

0,876 – 86,042

Cấp phát

3,531

8130,146

0,000

7

0,020

34,162

1,754 -665,224

Giám sát SD

-18,681

0,224

14,936

7

0,998

0,000

-

Hình phạt

-21,836

6519,025

0,000

7

0,997

0,000

-

Phần thưởng

3,202

1,083

8,740

7

0,003

24,586

2,942 – 205,451

 
Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố khảo sát đối với tình trạng sự tuân thủ các PTBVCN, phân tích hồi quy logistic được sử dụng. Kết quả thể hiện ở bảng 5 cho thấy, trong các yếu tố quan sát, yếu tố “Biết cách sử dụng”; “Nhận biết mối nguy” và “Tình trạng cấp phát” là những yếu tố dự báo độc lập đối với tình trạng tuân thủ PTBVCN trong thời gian làm việc ở đối tượng công nhân xây dựng trên các công trường.  Như vậy có thể thấy, các yếu tố liên quan đến nhận thức của NLĐ về các PTBVCN, cũng như mức độ sẵn có của các PTBVCN là những yếu tố thực sự có ảnh hưởng đối với tình trạng tuân thủ PTBVCN. Do đó, nhà quản lý cần hết sức lưu ý đến các yếu tố trên, nhằm cải thiện tỉ lệ tuân thủ PTBVCN, nâng cao hệ số an toàn trong lao động tại công trường.

3.2. Yếu tố liên quan đến chính sách quản lý

Các yếu tố liên quan đến chính sách quản lý cũng ảnh hưởng đến việc tuân thủ PTBVCN. Những yếu tố này bao gồm việc cấp phát PTBVCN (77,4%) không có phần thưởng cho những NLĐ tuân thủ (22%) cũng như không bị phạt khi không tuân thủ (81,5%). Cấp phát và nên thưởng có ảnh hưởng độc lập với sự tuân thủ. Tỷ lệ tuân thủ PTBVCN là 78,6%, đây vẫn là một con số chưa cao. Làm tốt, sự tuân thủ (78,6%) không được thưởng và làm không tốt hoặc không làm, sự không tuân thủ thì không bị phạt (81,5%). Kết quả này, chỉ ra rằng các quyền và trách nhiệm của NLĐ đã bị bỏ qua hoặc không tự nguyện và các chính sách về hành vi an toàn bị hạn chế. Việc thiếu đào tạo và đánh giá hiệu quả an toàn kém được coi là những yếu tố chính ảnh hưởng đến việc tuân thủ PTBVCN của công nhân trong các công trường xây dựng. Thái độ an toàn và hiệu quả hoạt động của NSDLĐ có thể ảnh hưởng đến hành vi an toàn của NLĐ. Việc sử dụng PTBVCN đã ảnh hưởng đến NLĐ vì họ cảm thấy không thoải mái khi sử dụng PTBVCN trong lúc làm việc. Do đó, nên cân nhắc khi lựa chọn PTBVCN thích hợp sao cho người sử dụng cảm thấy thoải mái, tiện nghi và tự do đi lại khi sử dụng PTBVCN.

4. KẾT LUẬN

Nghiên cứu này cho thấy nhận thức của NLĐ và cả chính sách quản lý ảnh hưởng nhiều đến sự tuân thủ PTBVCN. Các giá trị niềm tin, thái độ, nhận thức, năng lực và hành vi của NLĐ tại nơi làm việc đều ảnh hưởng đến sự tuân thủ PTBVCN. Hành vi an toàn của người giám sát cũng đóng một vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến hành vi của NLĐ. Cam kết, hỗ trợ và thái độ của người sử dụng lao động về an toàn lao động đều góp phần vào việc tuân thủ. Cấp phát đầy đủ PTBVCN và có chính sách khen thưởng tốt ảnh hưởng tích cực đến sự tuân thủ PTBVCN của NLĐ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Lưu Văn Chúc, Báo cáo tổng kết đề tài: “Nghiên cứu xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống thiết bị đánh giá chất lượng mũ an toàn công nghiệp”, Viện nghiên cứu KHKT BHLĐ,  năm 2004.

[2]. Lê Đức Thiện, Báo cáo tổng kết: “Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống đánh giá hợp chuẩn một số phương tiện chống rơi ngã cá nhân”, Viện KH An toàn và Vệ sinh Lao động, 2016-2017

[3]. Lưu Văn Chúc, Báo cáo tổng kết đề tài: “Nghiên cứu đề xuất hệ thống thiết bị thử nghiệm chất lượng giầy an toàn và chế thử thiết bị thử nghiệm độ bền va đập”, Viện nghiên cứu KHKT BHLĐ,  năm 2008.

[4]. Nguyễn Thị Thúy Hằng, Báo cáo tổng kết: “Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống đánh giá hợp chuẩn một số bộ lọc của mặt nạ, bán mặt nạ phòng độc”,  Viện KH An toàn và Vệ sinh Lao động, 2016-2017

[5]. Nguyễn Khánh Huyền, Báo cáo tổng kết, “Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện hệ thống thiết bị đánh giá chứng nhận hợp quy bộ lọc bụi của phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp tại phòng thí nghiệm phương tiện bảo vệ cá nhân”, Viện nghiên cứu KHKT BHLĐ, 2014- 2015.

[6]. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Báo cáo tổng kết: “Nghiên cứu xây dựng thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo tiêu cháy theo tiêu chuẩn TCVN 7205: 2002 (ISO 15025: 2000)”,  Viện nghiên cứu KHKT BHLĐ, 2015

[7]. Nguyễn Thị Thu Huyền, Lương Mai Anh, Trần Anh Thành. Thực trạng BNN tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Tạp chí y học dự phòng, Tập 31, số 9 2021 

[8]. Nguyễn Thị Thu Thủy, Báo cáo tổng kết: “Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện hệ thống đánh giá chứng nhận hợp qui mũ an toàn công nghiệp tại phòng thí nghiệm phương tiện bảo vệ cá nhân”, Viện nghiên cứu KHKT BHLĐ, 2014-2015

[9]. Thông báo Số: 843/TB-LĐTBXH ngày 22 tháng 3 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tai nạn lao động năm 2021.

[10]. Lilian Mwongeli Muema, Evaluation of Personal Protective Equipment Utilization among Construction Workers in Mombasa County, Kenya, MASTER OF SCIENCE, 2016

[11]. Progress and Potential A focus on occupational safety and health https://betterwork.org/blog/portfolio/progress-and-potential-a-focus-on-osh/#

[12]. Jan Oltmanns, MSc, PgDip, Dr. Eva Kaiser, Dr. Karin Heine at all, Effectiveness of personal protective equipment against dermal exposure – a comparative survey, Dortmund/Berlin/Dresden 2016

[13]. Truong Cong Dat, Mark G Robson, Assessment of knowledge, attitudes and practice of using of personal protective equipment in rattan craftsmen at the trade village, Kien Xuong district, Thai Binh province, Viet Nam, 2008.

Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Sỹ Tài,

Nguyễn Sỹ Khánh Linh, Lê Thu Hiền và CS

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

Tìm kiếm bài viết

Video

Ảnh hoạt động

IMG_8493 IMG_8515F IMG_8505 IMG_8488 IMG_8498 20150504_102136 20151212_151529 Ly mu cc yu t c hi khu vc may

Thông tin liên hệ

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Địa chỉ: 99 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Điện thoại: (+8424) 22172473; 22172480 - Fax: (8424) 3822 3011

Hotline: 0941042838

Email: [email protected] 

Website: https://Wemos.vn/

Cơ quan quyết định thành lập: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cơ quan quản lý trực tiếp: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

 

Dịch vụ

Thế mạnh đơn vị

Bản đồ

Thông tin được đăng tải có tính chất tham khảo, không có giá trị về mặt pháp lý

  • zalo-circle