logo_tram.jpg

ISO 9001:2015

VIMCERTS 025

 

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

NATIONAL WORKING ENVIRONMENT MONITORING STATION

 

vilas1.png

VILAS 441

Trang chủ»Tin tức sự kiện»Môi trường & điều kiện lao động»Tăng giờ làm thêm cần đảm bảo hài hòa lợi ích người lao động và người sử dụng lao động

Tăng giờ làm thêm cần đảm bảo hài hòa lợi ích người lao động và người sử dụng lao động

1. MỞ ĐẦU

Khi thị trường thế giới đang phục hồi nhu cầu nhanh chóng, doanh nghiệp (DN) trong nước đang tận dụng thời cơ để đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng sau một năm nhiều khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu, các DN buộc phải tăng tốc làm thêm để kịp tiến độ các đơn hàng. Do đó, DN cần có cơ chế linh hoạt điều chỉnh giờ làm thêm trong thời điểm này. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước.

Trước tình hình trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề. Chính sách này nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp và dự kiến  chỉ áp dụng đến 30/12/2022, đi kèm với đó nhiều biện pháp bảo vệ, chăm lo sức khoẻ của người lao động.

2. KINH NGHIỆM CÁC NƯỚC

Ở các nước phát triển, do các quy luật của thị trường lao động quản lý số giờ làm việc tối đa và mức tiền lương bắt buộc đối với số giờ làm việc vượt quá ngưỡng gần như phổ biến. Sự phát triển kinh tế, trước đây ở các nước công nghiệp hóa và hiện nay ở các nước đang phát triển, đã đi kèm với thời gian làm việc dài với mức lương thấp của nhiều người lao động(NLĐ). Chính vì thế, chính phủ ở các nước công nghiệp hóa đã tìm cách hạn chế số giờ làm việc được coi là quá mức. Bảng 1 cho chúng ta thấy tóm tắt các quy định làm thêm giờ cho một số nước công nghiệp. Mặc dù có khá nhiều sự khác biệt trong các điều khoản quốc gia về quy định làm thêm giờ, nhưng hầu hết đều quy định mức làm thêm giờ và tiền lương bù cho số giờ làm việc vượt quá một tuần làm việc được xác định hợp pháp, ví dụ: 40 giờ mỗi tuần tại một thời điểm và được trả một nửa số tiền của giờ làm thêm theo quy định. 

Biện minh kinh tế cho số giờ làm thêm và quy định trả lương thêm là do một số thất bại của thị trường lao động cần phải có sự can thiệp của Nhà nước. Mặt khác, hoạt động tự nhiên của một thị trường lao động cạnh tranh sẽ tạo ra sự khác biệt về tiền lương bù đắp, số tiền thu nhập bổ sung cần được cung cấp, để thu hút thêm giờ từ lực lượng lao động sẵn có.

Theo Ronald L và cộng sự [5], vì lợi ích kinh tế của người sử dụng lao động (NSDLĐ), mà NLĐ trực tiếp sản xuất thường làm thêm giờ trong khi NLĐ gián tiếp sản xuất thì không. Mặc dù một số NLĐ gián tiếp trong các doanh nghiệp có làm thêm giờ, nhưng số giờ làm thêm là rất nhỏ so với số giờ làm thêm của NLĐ trực tiếp sản xuất công nhân sản xuất (Hình 1). Từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 12 năm 2019, những NLĐ gián tiếp làm thêm giờ trong ngành sản xuất của Hoa Kỳ chỉ làm thêm giờ trung bình 1,1 giờ một tuần, trong khi các đồng nghiệp trực tiếp sản xuất của họ làm thêm giờ trung bình 4,2 giờ một tuần. Những NLĐ gián tiếp sản xuất có nhiều khả năng được miễn các điều khoản làm thêm giờ và trong một số trường hợp do làm những công việc được trả lương cao hơn, điều này sẽ khiến việc trả lương làm thêm giờ rất tốn kém, đây chính là lợi ích của NSDLĐ.

Bảng 1. Quy định làm thêm giờ cho một số nước công nghiệp [5]

   Nước

Mức ngưỡng thời giờ làm việc

Mức lương trả thêm

Số giờ được phép làm thêm tối đa

Úc

38h / tuần

50% cho 3h đầu(2 giờ đầu trong một số ngành công nghiệp nặng nhọc, độc hại) và 100% cho giờ tiếp theo.

Tổng số giờ làm thêm không quá 12h/ngày

Canada

8h/ ngày, 40h/tuần

50% tiền lương trong giờ chính

Tổng số giờ làm (kể cả làm thêm)không quá 48h/tuần

Pháp

35h/tuần

Theo thỏa thuận, tối thiểu 10%. Nếu không có thỏa thuận, thì 25% cho 8 giờ làm thêm đầu tiên một tuần và 50% cho mỗi giờ làm thêm tiếp theo

Được phép 220 giờ làm thêm mỗi năm, tổng số giờ làm thêm không quá 12h/ngày và 48h/tuần

Đức

Do các Thỏa ước lao động của giới chủ  từng ngành với tổ chức Công đoàn

Theo thỏa thuận trong thỏa ước (thời gian nghỉ hoặc lương thưởng)

Theo thỏa thuận trong thỏa ước lao động

Ý

40h/tuần

Cao hơn so với giờ làm việc bình thường, theo thỏa thuận

250h/năm

Nhật

8h/ngày, 40h/tuần

25% hoặc50% nếu thời gian làm thêm vượt quá 60h/tháng

5h/ngày; 45h/tháng; 360h/năm

Hàn Quốc

8h/ngày, 40h/tuần

50%

12h/tuần

Anh

Khác nhau giữa các thỏa ước lao động của các ngành, tối đa là 48h.

Theo thỏa ước lao động

48 giờ một tuần được tính trong khoảng thời gian 17 tuần

Hoa Kỳ

40h/tuần

50%

Theo thỏa thuận trong thỏa ước lao động

LVT

Theo Crépon, B., và F. Kramarz [1] , các quốc gia có thời gian làm việc dài nhất ở EU không phải là những quốc gia giàu có nhất. Một công dân trung bình của Thổ Nhĩ Kỳ làm việc hơn 45 giờ một tuần. Trung bình một người Hy Lạp (quốc gia làm việc nhiều nhất ở EU) làm việc 41,7 giờ một tuần. Nhưng Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy GDP bình quân đầu người ở 2 nước này lại thấp hơn rất nhiều so với các nước làm ít giờ như: Na Uy (33,7 giờ mỗi tuần), Đan Mạch (33,3) và Hà Lan (30,4 giờ mỗi tuần)( Ví dụ GDP bình quân đầu người ở Hà Lan đạt 52.447 đô la trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ có 9.042 đô la).

3. TÁC ĐỘNG CỦA CÁC BÊN TRONG QUAN HỆ LAO ĐỘNG KHI TĂNG GIỜ LÀM THÊM

3.1. Người lao động

Tuy thị trường lao động đã phục hồi tương đối nhanh so với yêu cầu nhưng đời sống của NLĐ vẫn bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch nên thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng. Bởi thế một số lao động thật sự có nhu cầu làm thêm giờ. Mặt khác, dịch vẫn diễn biến phức tạp, số lao động bị F0 tăng nhanh, nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động sản xuất. Chưa kể, tình trạng lao động "nhảy việc", do cạnh tranh lao động giữa các DN cũng dẫn đến tình trạng thiếu lao động cục bộ, tạm thời. Đáng chú ý, chúng ta đang thiếu tạm thời cả lao động phổ thông và lao động có trình độ cao. Nhưng chủ yếu là lao động trình độ cao.

Làm thêm giờ có thể là một lợi thế cạnh tranh nếu được quản lý đúng cách,  nhưng như chúng ta đã thấy, nó phải được thực hiện đúng mục đích và đúng cách. Trên hết, làm thêm giờ không phải là điều bình thường hoặc là dấu hiệu của năng suất hàng ngày kém do bị phân tâm.

Mặt có lợi

- Tăng thu nhập, đây là lợi thế lớn nhất mà NLĐ mong muốn và nhận được khi làm thêm giờ.

- Do có thêm thu nhập, NLĐ có động lực để làm việc chăm chỉ hơn, gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp.

- Giúp NLĐ cải thiện tinh thần làm việc. NLĐ có thể xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các đồng nghiệp khác, những người cũng làm thêm giờ, giúp họ gắn kết hơn trong công việc.

Mặt có hại

- Mặt có hại trước hết, lâu dài đối với NLĐ là vấn đề sức khỏe. Các nghiên cứu trong ngoài nước đều khẳng định, khi làm thêm giờ người lao động (NLĐ) sẽ bị các tác động ngắn hạn bao gồm chấn thương hoặc tai nạn cấp tính, mệt mỏi, khó ngủ và huyết áp cao, trong khi tác động lâu dài bao gồm rối loạn cơ xương, khuyết tật khi nghỉ hưu, rối loạn chuyển hóa sinh hóa (tiểu đường, mỡ máu) và bệnh tim mạch (đau tim và đột quỵ) [4].. Trên hình 2 cho chúng ta kết quả nghiên cứu của Viện An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH).

LVT1 1

- NLĐ cần thời gian giành cho cá nhân và cho gia đình, cho các đam mê, sở thích. Việc làm thêm giờ kéo dài sẽ làm cho các cá nhân mệt mỏi làm giảm năng suất lao động cho những giờ làm việc chính thức; thiếu thời gian chăm lo cho gia đình dẫn đến lục đục,...

Friesen, J [2] đã nghiên cứu thấy khoảng 30% NLĐ làm việc hơn 60 giờ/tuần có quan hệ gia đình không tốt. Tỷ lệ ly hôn cao hơn 27% so với những NLĐ làm thêm dưới 40 giờ/tuần. Đồng thời nhóm người này đều có các vấn đề về sức khỏe tâm thần và nghiện rượu.

3.2. Người sử dụng lao động

Mặt có lợi

- Khi NLĐ được yêu cầu làm thêm giờ, NSDLĐ sẽ nhận được lợi ích từ mức năng suất tăng lên. Nhiều công việc đang được hoàn thành trong giờ làm thêm, hỗ trợ NSDLĐ trong việc cạnh tranh và thu được nhiều lợi nhuận hơn từ việc tăng năng suất và tăng sản lượng sản phẩm của DN.

- NSDLĐ có lực lượng lao động linh hoạt hơn và do đó có thể giải quyết các công việc trong giai đoạn khó khăn, tắc nghẽn (thiếu  nhân lực, ùn ứ công việc, khách hàng giục giã, dễ dàng hơn khi bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị) mà không cần tuyển thêm nhân viên. 

Mặt có hại

- Phải tăng thêm chi phí làm thêm giờ trong DN, thường cao hơn mức lương truyền thống.

- Do ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ nên có thể gây ra hiệu quả làm việc kém do khả năng bắt nhịp công việc trong ngày tiếp theo của NLĐ, đặc biệt nếu quản lý kém, NLĐ có thể chểnh mảng do phải bù đắp những gì đã mất do làm thêm giờ, dẫn đến năng suất lao động giảm

- Mệt mỏi và bệnh tật của NLĐ cũng là một vấn đề cho DN, dẫn đến tai nạn lao động và bệnh tật, bệnh nghề nghiệp, tăng thời gian nghỉ làm của NLĐ, DN sẽ bị thiệt hại kinh tế trong đó có cả việc phải tăng kinh phí đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp theo Nghị định  58/2020/NĐ-CP.

4. GIẢI PHÁP HÀI HÒA LỢI ÍCH

Chúng ta biết rằng, việc nới trần làm thêm giờ chỉ là giải pháp tình thế, trong thời gian ngắn. Khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì vẫn phải quay lại quy định theo Bộ luật Lao động. Bởi mục tiêu lâu dài vẫn là phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, tăng lương, giảm giờ làm.

Để hài hòa quan hệ lao động nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho NLĐ, về lâu dài cần có những nghiên cứu tổng thể để quy định làm thêm giờ phù hợp với thể chất của NLĐ Việt Nam; đảm bảo chế độ tiền lương giờ làm thêm; tổ chức sản xuất, giám sát thanh tra kiểm tra, kiểm tra sức khỏe định kỳ,.. có như vậy mới vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập, vừa bảo vệ sức khoẻ cho NLĐ.

- Giảm gánh nặng tâm sinh lý của NLĐ trong khoảng thời gian làm thêm giờ [3]:

+ Hạn chế các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại có nguy cơ gây rủi ro cao (các công việc này bố trí NLĐ làm vào thời gian chính thức, khi họ còn khỏe mạnh và tỉnh táo).

Giảm cường độ và nhịp điệu lao động chậm hơn thời gian chính, ví dụ: giảm số lượng sản phẩm yêu cầu, giảm tốc độ băng tải ở các công đoạn làm việc trên dây chuyền (chẳng han, tốc độ băng chuyền lắp ráp giày thể thao, vào thời gian làm việc chính là 7m/phút, điều chỉnh ở thời gian làm thêm là 5m/phút, khi đó, theo Friesen [2] năng suât lao động sẽ giảm 20%, nhưng sẽ hạn chế được 31% lỗi phát sinh do NLĐ mỏi mệt, giảm 28% tai nạn lao động và bệnh tật).

Khuyến cáo giảm tốc độ của cá xe vận chuyển, xe nâng hạ, cầu trục,..chạy trong không gian nhà xưởng để hạn chế tai nạn.

- Tăng cường vệ sinh môi trường [3]:

Hạn chế tới mức tối đa hoạt động của các thiết bị, khu vực sản xuất phát sinh các yếu tố nguy hiểm có hại trong khoảng thời gian làm thêm giờ của NLĐ, như: Tiếng ồn, hơi khí, bụi độc, bức xạ có hại;

Tăng cường thông gió, chiếu sáng theo đúng tiêu chuẩn cả về lượng và chất (giảm nhiệt độ vùng sản xuất về mùa hè bằng việc tăng cường các quạt mát, tăng mức độ thông thoáng trong nhà xưởng; đảm bảo độ rọi, độ chói lóa của hệ thống chiếu sáng theo đúng các quy chuẩn kỹ thuật : QCVN 24:2016/BYT, QCVN 26:2016/BYT, QCVN 22:2016/BYT,..)

- Cải tạo không gian sản xuất, bổ sung các biện pháp hành chính [3]:

Sắp xếp mặt bằng sản xuất gọn gàng, ngăn nắp, loại bỏ các trở ngại trên các đường di chuyển của NLĐ.

Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hơn các thiết bị, máy móc, công cụ mà NLĐ sử dụng hàng ngày để hạn chế tối đa các hỏng hóc có thể gây tai nạn.

Nếu thời gian làm thêm trong 1 ca > 3h, thì sau 90 phút làm việc, cần bố trí giải lao 10 phút, nhất là đối với NLĐ làm việc ở các dây chuyền sản xuất liên tục;

Bổ sung chế độ ăn nhẹ cho NLĐ sau khi kết thúc làm thêm để phục hồi sức khỏe (Ví dụ, theo Viện KH ATVSLĐ, nhu cầu cần thiết cho bữa ăn chính giữa ca của NLĐ dệt-may-da giày trung bình là 857±172 kcal/ca; trong trường hợp này, có thể bố trí bữa ăn nhẹ với khoảng 500 kcal, tức là bằng khoảng ½ bữa ăn chính).

+ Bố trí lương và thưởng trong thời gian làm thêm hợp lý (theo thỏa thuận với NLĐ thông qua tổ chức công đoàn).

Tài liệu tham khảo

[1]. Crépon, B., and F. Kramarz(2016) “Work 40 hours or not work 39: Lessons from 1982 make it imperative to reduce working time.” Political Economy Review 110:6 (2016): 1355–1389.

[2]. Friesen, J. (2014) “Overtime Regulations and Employee Life.” Labor Economy 8(2012): 691–720

[3]. Le Van Trinh, (2018), Appropriate working time and measures to improve working conditions for workers in Vietnam, Proceedings of the conference APOSHO 33, Hong Kong, November 2018, pp. 73-81,

[4]. LeGrande D. (2014), “Overtime, occupational stress, and related health outcomes: A labor perspective”, Long working hours, safety and health: Towards a national research agenda conference, University of Maryland, Baltimore, Maryland, in Work schedules: Shift work and long work hours, National Institute for Occupational Safety and Health (NIOSH).

[5]. Ronald L. Oaxaca, Galiya Sagyndykov.(2019), Impact of overtime regulations on employment. IZA World of Labor, October 2014, wol.iza.orgUniversity of Arizona, USA, CEPS/INSTEAD, 12.2019

GS. TS. Lê Vân Trình

 Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam

(Nguồn tin: Vnniosh.vn)

Tìm kiếm bài viết

Video

Ảnh hoạt động

IMG_8493 IMG_8515F IMG_8505 IMG_8488 IMG_8498 20150504_102136 20151212_151529 Ly mu cc yu t c hi khu vc may

Thông tin liên hệ

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Địa chỉ: 99 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Điện thoại: (+8424) 22172473; 22172480 - Fax: (8424) 3822 3011

Hotline: 0941042838

Email: [email protected] 

Website: https://Wemos.vn/

Cơ quan quyết định thành lập: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cơ quan quản lý trực tiếp: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

 

Dịch vụ

Thế mạnh đơn vị

Bản đồ

Thông tin được đăng tải có tính chất tham khảo, không có giá trị về mặt pháp lý

  • zalo-circle