Hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất bánh tầm, bánh hỏi ở Cơ sở sản xuất bánh hỏi Kim Sa, TP Cao Lãnh
Những năm gần đây, với việc tập trung nhiều chính sách khuyến khích hoạt động công nghiệp phát triển, ngành kinh tế mũi nhọn thứ hai của tỉnh nhà có nhiều bước phát triển và chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp luôn là vấn đề được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp hiệu quả, thời gian qua, ngành công thương tỉnh nhà cũng đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ áp dụng các giải pháp về SXSH. Công tác này vừa mang đến hiệu quả thiết thực cho các cơ sở sản xuất, vừa giúp giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường.
Sau hơn 2 năm được Sở Công Thương Đồng Tháp hỗ trợ “Xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất bánh hỏi”, Cơ sở sản xuất bánh hỏi Kim Sa (khóm 4, Phường 4, TP Cao Lãnh) nhận thấy nhiều thay đổi tích cực trong hoạt động sản xuất.
Theo Cơ sở xuất bánh hỏi Kim Sa, trước đây, do sản xuất theo kiểu truyền thống nên cơ sở này chưa quan tâm đến việc đầu tư dây chuyền sản xuất và xử lý nước thải bài bản. Nước thải sau khi sản xuất được thải trực tiếp ra hệ thống cống, gây ra tác động tiêu cực đến môi trường. Đến năm 2020, sau khi được ngành chức năng tuyên truyền, cơ sở mạnh dạn đầu tư hệ thống xử lý nước thải với tổng kinh phí khoảng trên 100 triệu đồng. Theo đó, từ nguồn kinh phí áp dụng giải pháp SXSH năm 2020, Sở Công Thương Đồng Tháp hỗ trợ cho cơ sở 50 triệu đồng.
Bà Phương Thị Sa - chủ Cơ sở sản xuất bánh hỏi Kim Sa chia sẻ: “Từ ngày đầu tư hệ thống xử lý nước thải, vấn đề về ô nhiễm mùi hôi trong sản xuất tại cơ sở được giải quyết dứt điểm, gia đình tôi không còn cảm thấy ái ngại với hàng xóm khi công việc sản xuất làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Sắp tới, cơ sở dự kiến đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị hiện đại nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”.
Mô hình này của Cơ sở sản xuất bánh hỏi Kim Sa là 1 trong 10 mô hình về hỗ trợ thực hiện đánh giá và áp dụng giải pháp SXSH cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ được Sở Công Thương Đồng Tháp triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020. Mặc dù được triển khai ở các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ nhưng các mô hình áp dụng giải pháp SXSH tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Theo Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương, việc áp dụng quy trình SXSH giúp cơ sở sản xuất, DN giảm chi phí, tránh tác động tiêu cực đến môi trường, vừa góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững của DN, cơ sở. Đây là nền tảng quan trọng giúp cho sản phẩm của DN, cơ sở sản xuất tạo được sự tin tưởng, gắn kết nhiều hơn với người tiêu dùng. Thông qua việc cải tiến quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm của các cơ sở ngày càng được chuyên nghiệp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng...
Đây cũng là cách làm hiệu quả giúp nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh giải quyết được “bài toán” về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Mỹ Lý
(Nguồn tin: Báo Đồng Tháp Online