Giảm thính lực nghề nghiệp do tiếng ồn (NIHL) vẫn là mối quan ngại đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động trên toàn cầu. Tiếp xúc lâu dài với mức độ tiếng ồn cao tại nơi làm việc không chỉ gây nguy hiểm cho thính giác mà còn có thể làm suy giảm hiệu suất nhận thức, gia tăng căng thẳng và giảm năng suất chung. Ngoài nguy cơ mất thính lực, tiếp xúc với tiếng ồn còn liên quan đến căng thẳng tim mạch, rối loạn giấc ngủ (đối với công nhân làm ca), giảm sự hài lòng trong công việc và gia tăng nguy cơ tai nạn do giao tiếp kém hoặc không nghe được cảnh báo.
Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan quản lý đã ban hành các hướng dẫn và tiêu chuẩn để bảo vệ người lao động khỏi tiếp xúc với tiếng ồn quá mức. Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA) đã đặt ra các giới hạn tiếp xúc với tiếng ồn tại nơi làm việc. Giới hạn tiếp xúc cho phép (PEL) trong một ca làm việc 8 giờ là 90 decibel (dBA), được đo bằng thang đo trọng số A, giúp điều chỉnh theo độ nhạy của tai người đối với các tần số khác nhau.
Tuy nhiên, OSHA yêu cầu người sử dụng lao động phải triển khai Chương trình bảo vệ thính giác (HCP) khi mức độ tiếng ồn đạt hoặc vượt quá 85dBA trong khoảng thời gian 8 giờ, còn được gọi là mức hành động (AL). Ngoài ra, dựa trên các nghiên cứu khoa học hiện tại, Hội nghị các nhà vệ sinh công nghiệp của chính phủ Hoa Kỳ (ACGIH) đã xây dựng một tiêu chuẩn đồng thuận nghiêm ngặt hơn có tên là Giá trị giới hạn ngưỡng (TLV) đối với mức độ tiếp xúc với tiếng ồn nghề nghiệp và khuyến nghị các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn này.
Việc áp dụng OSHA AL và ACGIH TLV nhằm mục đích bảo vệ người lao động trước khi mức độ tiếng ồn trở nên nguy hiểm. Việc hiểu rõ tác động của tiếng ồn tại nơi làm việc là rất quan trọng để thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả. Việc tiếp xúc với mức độ tiếng ồn trên 85dBA trong thời gian dài được biết là làm tăng nguy cơ tổn thương thính giác.
Mặc dù các quy định và tiêu chuẩn đồng thuận đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát tiếng ồn tại nơi làm việc, nhưng các biện pháp kiểm soát phải được thực hiện khi mức độ tiếng ồn nghề nghiệp ở mức nguy hiểm. Có ba chiến lược chính để kiểm soát tiếng ồn: xử lý người tiếp nhận, xử lý đường truyền/không gian và xử lý nguồn.
Tiến bộ trong xử lý người tiếp nhận
Một trong những tiến bộ đáng chú ý là sự ra đời của thiết bị bảo vệ thính giác thông minh (HPD). Những thiết bị này tích hợp các công nghệ tiên tiến như khử tiếng ồn chủ động (ANC) và theo dõi tiếng ồn theo thời gian thực, giúp chặn mức độ tiếng ồn có hại đồng thời vẫn cho phép giao tiếp nhờ tính năng tăng cường giọng nói hoặc lọc chọn lọc, HPD thông minh không chỉ mang lại lợi ích kép. Ngoài ra, chúng cung cấp dữ liệu về mức độ tiếp xúc với tiếng ồn tích lũy, giúp người lao động và người sử dụng lao động theo dõi và giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả.
Tính năng ANC trong HPD thông minh sử dụng nguồn pin, đòi hỏi cần bảo trì liên tục và có thể gây khó khăn trong việc giám sát tuân thủ HCP của nhân viên. Vì vậy, người sử dụng lao động nên đảm bảo mức giảm tiếng ồn (NRR) phù hợp thông qua giảm tiếng ồn thụ động, ngay cả khi sử dụng các thiết bị thông minh. Ngoài ra, tai nghe chống ồn được sử dụng cho mục đích giải trí không phải là thiết bị bảo vệ thính giác và không bao giờ được phép sử dụng trong môi trường có mức độ tiếp xúc với tiếng ồn cao. Người sử dụng lao động chỉ nên cho phép sử dụng HPD đạt chuẩn ANSI tại nơi làm việc.
Một công nghệ khác là nút tai tùy chỉnh, vốn đã có mặt trên thị trường từ lâu nhưng gần đây đã có một số cải tiến đáng kể để đạt được sự vừa vặn tốt hơn và hiệu suất NRR cao hơn. Công nghệ in 3D và quét kỹ thuật số giúp tạo ra nút tai tùy chỉnh mà không cần sử dụng khuôn xốp mở rộng, giúp cải thiện sự thoải mái và khả năng giảm tiếng ồn so với các loại nút tai xốp đúc sẵn hoặc silicon truyền thống. Phương pháp tiếp cận được cá nhân hóa này đảm bảo rằng người lao động nhận được sự bảo vệ tối ưu, phù hợp với từng cá nhân.
Việc tích hợp HPD với hệ thống Internet vạn vật (IoT) cũng là một bước tiến vượt trong việc bảo vệ thính giác tại nơi làm việc. Bằng cách kết nối các thiết bị này với hệ thống giám sát tại nơi làm việc, người sử dụng lao động có thể tổng hợp và phân tích dữ liệu tiếng ồn để lập kế hoạch dài hạn và đảm bảo tuân thủ quy định. Sự tích hợp liền mạch này giúp triển khai các chiến lược quản lý tiếng ồn toàn diện và chủ động hơn.
Mặc dù PPE đóng vai trò quan trọng, nhưng việc giảm tiếng ồn tại nguồn vẫn là chiến lược hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa NIHL. Những đổi mới gần đây trong các biện pháp kiểm soát kỹ thuật đã giúp cải tiến đáng kể trong việc giảm tiếng ồn.
Tiến bộ trong việc xử lý Đường truyền/không gian
Các rào cản và vật liệu hấp thụ âm thanh cũng góp phần tạo nên không gian làm việc yên tĩnh hơn. Các vật liệu tiên tiến, chẳng hạn như tấm vi lỗ (MPP) và bọt cách âm đã được sử dụng để hấp thụ tiếng ồn hiệu quả, đặc biệt là trong các văn phòng không gian mở và cơ sở sản xuất, nơi việc kiểm soát tiếng ồn thường gặp nhiều thách thức.
Mỗi vật liệu tương tác với sóng âm đều có một hệ số truyền âm hoặc hệ số hấp thụ âm thanh (SAC) nhất định. Các vật liệu khác nhau sẽ hoạt động hiệu quả ở các dải tần số khác nhau, do đó cần phải lựa chọn vật liệu cẩn thận để phù hợp với môi trường lắp đặt. Ví dụ, nếu tần số chủ đạo của nơi làm việc là thấp, không nên lắp đặt rào chắn bằng bọt polyurethane vì chúng hiệu quả hơn ở tần số cao. Ngược lại, MPP có thể được thiết kế cho cấu hình tiếng ồn cụ thể và nên được thiết kế, lắp đặt bởi đội ngũ chuyên gia lắp đặt âm thanh để đạt hiệu quả tối ưu.
Tiến bộ trong việc xử lý nguồn phát
Các kỹ sư thiết kế máy móc hiện đại hiện đang tích hợp hệ thống ANC vào sản phẩm của họ. Các hệ thống này hoạt động bằng cách sử dụng nhiễu sóng âm để triệt tiêu các tần số gây hại theo thời gian thực, thông qua một loạt micrô và loa được thiết lập để tạo ra sóng âm ngược pha với tiếng ồn trong môi trường. Công nghệ này thường hiệu quả nhất đối với tiếng ồn tần số thấp, nhưng các nghiên cứu bổ sung đang được tiến hành để phát triển các thiết kế có thể loại bỏ cả các tần số cao hơn, vốn gây hại nhiều hơn cho tai người. ANC hoạt động hiệu quả nhất khi kết hợp với các rào cản âm thanh.
Bên cạnh đó, khái niệm “thiết kế yên tĩnh” cũng đang được các nhà sản xuất áp dụng rộng rãi, khuyến khích họ ưu tiên giảm tiếng ồn ngay từ quá trình phát triển sản phẩm. Cách tiếp cận này đảm bảo thiết bị vận hành với độ ồn thấp hơn, giúp giảm nhu cầu sử dụng các biện pháp kiểm soát tiếng ồn bổ sung. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả giảm tiếng ồn, việc bảo trì định kỳ vẫn là yếu tố quan trọng, vì thiết bị không được bảo dưỡng có xu hướng tạo ra mức ồn ngày càng tăng theo thời gian.
Kết luận
Mặc dù đã có những tiến bộ trong kiểm soát tiếng ồn, một số thách thức vẫn còn tồn tại, đặc biệt là chi phí triển khai cao, khiến các công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn khi đầu tư vào các công nghệ tiên tiến. Việc lựa chọn công nghệ phù hợp cũng là một thách thức đối với những người chưa quen thuộc với các khả năng và hạn chế của từng giải pháp. Do đó, cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia vệ sinh công nghiệp và/hoặc kỹ sư âm thanh để có các giải pháp tốt nhất.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ mới cũng đặt ra những thách thức, không chỉ yêu cầu phải đào tạo nhân sự mà còn đòi hỏi cơ sở hạ tầng phù hợp. Tuy nhiên, nếu được triển khai đúng cách, lợi ích tiềm năng của các giải pháp này sẽ vượt xa những rào cản ban đầu. Bằng cách đầu tư vào các biện pháp kiểm soát tiếng ồn và công nghệ bảo vệ thính giác, người sử dụng lao động có thể tạo ra môi trường làm việc an toàn hơn, hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe dài hạn liên quan đến tình trạng mất thính giác.
Nhìn về tương lai, các nhà nghiên cứu đang khám phá những cách tiếp cận sáng tạo để bảo vệ thính giác và kiểm soát tiếng ồn. Lấy cảm hứng từ cấu trúc tai của động vật có thính giác nhạy bén, các thiết bị bảo vệ thính giác sinh học hứa hẹn sẽ mang đến hiệu quả và sự thoải mái hơn. Đồng thời, các các nghiên cứu đang tập trung phát triển các công nghệ ANC thích ứng, giúp kiểm soát tiếng ồn hiệu quả hơn trong các môi trường làm việc phức tạp.
Ngoài ra, những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo đang mở ra một hướng đi mới, cho phép phát triển các hệ thống kiểm soát tiếng ồn dự đoán, có thể thích ứng với môi trường thay đổi theo thời gian thực, mang lại mức độ bảo vệ tối ưu.
Bảo vệ thính giác và kiểm soát tiếng ồn đang có những tiến bộ nhanh chóng, có thể biến đổi toàn diện về an toàn tại nơi làm việc. Khi các ngành công nghiệp áp dụng những đổi mới này, một phương pháp tiếp cận đa ngành, kết hợp giữa công nghệ, chính sách và giáo dục sẽ đóng vai trò then chốt trong việc triển khai hiệu quả. Với sự tiến bộ liên tục và cam kết bảo vệ an toàn cho người lao động, viễn cảnh về một môi trường làm việc an toàn hơn, yên tĩnh hơn đang trở nên gần hơn bao giờ hết, hứa hẹn một tương lai mà mất thính giác nghề nghiệp không còn là mối đe dọa phổ biến nữa.
Biên dịch: Bình Nguyên