Dù đã được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động song một số công nhân trên địa bàn huyện Tuần Giáo vẫn chưa thực hiện đầy đủ thiết bị bảo hộ khi làm việc.
Trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện có trên 70 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động với tổng số công nhân, lao động làm việc hơn 1.000 người. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 9 vụ TNLÐ khiến 10 người bị thương; trong đó, 3 trường hợp bị thương nặng, không có trường hợp tử vong. Nguyên nhân xảy ra các vụ TNLÐ chủ yếu là do người lao động làm việc bất cẩn, thiếu phương tiện bảo hộ lao động... Ông Bùi Công Nguyên, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo chia sẻ: Huyện đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, triển khai các văn bản có liên quan đến ATVSLÐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động. Nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực đã được cơ quan, đơn vị huyện triển khai như: Qua các hội nghị; lồng ghép trong các cuộc họp bản; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử của huyện, các trang mạng xã hội zalo, facebook; qua việc phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các công trường và tuyến đường trên địa bàn huyện... Nội dung tuyên truyền chủ yếu là phổ biến kiến thức và kỹ năng về ATVSLÐ; tuyên truyền người lao động xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, gây hại, nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và cộng đồng trong quá trình lao động; tuyên truyền thông tin về phòng ngừa TNLÐ, bệnh nghề nghiệp...
Ðáng chú ý, huyện chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đưa nội dung ATVSLÐ lồng ghép trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình lao động sản xuất; chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn biện pháp phòng chống nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt. Ðồng thời, tuyên truyền người dân không sử dụng hóa chất trong chăn nuôi, chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa TNLÐ khi sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp. Huyện vận động người sử dụng lao động quan tâm chú ý đến công tác ATVSLÐ, nhất là việc phổ biến kỹ năng, xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn lao động; quan tâm đảm bảo điều kiện lao động tại nơi làm việc; cấp phát đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo hộ cho người lao động; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLÐ; chú trọng kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có khả năng gây tai nạn trong quá trình lao động...
Hàng năm huyện đều chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Tháng Hành động về ATVSLÐ trên địa bàn; phối hợp mở các lớp tập huấn về chính sách bảo hiểm TNLÐ, bệnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức làm công tác an toàn lao động, BHXH. Ðồng thời, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLÐ tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra TNLÐ, bệnh nghề nghiệp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định về ATVSLÐ. Năm 2022, Phòng đã phối hợp tổ chức 2 cuộc kiểm tra về ATVSLÐ tại 18 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp sử dụng lao động đã có ý thức chấp hành pháp luật an toàn lao động và thực hiện nghiêm chế độ, chính sách bảo hộ lao động theo quy định.
Là một trong những doanh nghiệp lớn trên địa bàn, ngành nghề kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, công tác đảm bảo ATVSLÐ luôn được Công ty TNHH xây dựng Ðoàn Lân chú trọng thực hiện. Ông Ðoàn Văn Lân, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Ðoàn Lân tỉnh Ðiện Biên, cho biết: Công ty hiện có khoảng 100 công nhân, người lao động. Hàng năm đơn vị đều cử người tham gia lớp tập huấn về ATVSLÐ, phòng chống cháy nổ để về phổ biến cho người lao động; cấp phát đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân cho người lao động như quần áo, mũ, găng tay, dây an toàn khi làm việc trên cao. Tại các công trình xây dựng, Công ty đều gắn biển nội quy về đảm bảo an toàn lao động, biển cảnh báo tại khu vực nguy hiểm; máy móc, thiết bị phục vụ quá trình thi công xây dựng đều được kiểm tra cẩn thận, được kiểm định, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; người lao động đều được khám sức khỏe định kỳ, huấn luyện về an toàn lao động... Nhờ đó, nhận thức của người lao động đã từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc vẫn còn một số người lao động có thái độ chủ quan, chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn lao động. Vì thế, đơn vị phải thường xuyên nhắc nhở, nâng cao ý thức cho người lao động để giảm thiểu rủi ro xảy ra tai nạn. May mắn, nhiều năm qua Công ty không xảy ra các vụ TNLÐ tại nơi làm việc.
Bài, ảnh: Ðức Linh
(Nguồn tin: https://baodienbienphu.com.vn/)