Nghiên cứu đã khảo sát nồng độ bụi bông trong môi trường lao động ở công ty Hanesbrands Kim Động, Hưng Yên. Nghiên cứu cũng đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố của điều kiện lao động như bụi bông và các yếu tố ecgônômi đến sức khỏe người lao động. Nồng độ bụi bông trong xưởng may áo lót nữ dao động từ 0,109÷0,520mg/m3, thấp hơn giới hạn cho phép theo QCVN 02:2019/BYT từ 2÷10 lần. Nồng độ bụi bông có xu hướng giảm, dẫn đến lượng bụi bông phơi nhiễm (hít vào phổi) đối với một người lao động trong 1 ca làm việc giảm từ 2,76 xuống 0,58mg. Xu thế giảm dần của lượng bụi phơi nhiễm có thể là do sự khác biệt về cường độ hoạt động sản xuất tại các thời điểm lấy mẫu. Kết quả khảo sát về ecgônômi cho thấy 42% số công nhân có hiểu biết về ecgônômi, nhưng chỉ có 6% là tuân thủ đúng yêu cầu egônômi. Bệnh xương khớp và bệnh hô hấp chiếm tương ứng 21,02% và 18,18% trong số công nhân được khảo sát.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngành công nghiệp Dệt may đang phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Cùng với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ sản xuất, điều kiện lao động của người công nhân cũng có những thay đổi theo cả hai hướng, vừa thuận lợi vừa xuất hiện những yếu tố bất lợi như nhịp độ và tốc độ lao động cao hơn trước, căng thẳng thần kinh và áp lực tâm lý cao, thời gian lao động kéo dài trong một tư thế đã có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe người lao động [1], [2]. Tỷ lệ công nhân ngành may mặc là nữ chiếm >90%, thời gian làm việc ở tư thế ngồi trong thời gian dài. Trung tâm y tế Dệt May Việt Nam đã tiến hành khám sức khoẻ định kỳ đều đặn cho công nhân và thấy rằng tỷ lệ công nhân bị mắc bệnh do ảnh hưởng của yếu tố nguy cơ nghề nghiệp khá cao. Điển hình là bệnh bụi phổi bông và cơ xương khớp.
Ecgônômi nghiên cứu và ứng dụng những quy luật chi phối quan hệ giữa con người và lao động. Theo định nghĩa của Hiệp hội Ecgônômi quốc tế (IEA): Ecgônômi là khoa học liên ngành, được cấu thành từ các khoa học về con người để phù hợp công việc, hệ thống máy móc, thiết bị, sản phẩm và môi trường với các khả năng về thể lực, trí tuệ và cả với những hạn chế của con người. Trên thế giới, việc áp dụng đánh giá Ecgônômi trong các ngành sản xuất công nghiệp đã và đang được áp dụng ngày càng phổ biến tại các quốc gia để đánh giá sự thích ứng giữa phương tiện kỹ thuật và môi trường lao động với khả năng của con người về giải phẫu, sinh lý, tâm lý, nhằm bảo đảm đạt được hiệu quả lao động cao nhất, đồng thời bảo vệ sức khoẻ, an toàn và tiện nghi cho con người. Tại Việt Nam, chưa có nhiều các nghiên cứu về Ecgônômi, đặc biệt rất ít nghiên cứu được thực hiện đối với các cơ sở may mặc ngành dệt may. Hơn nữa trong quá trình phát triển, quy mô công nghiệp càng mở rộng thì các tác hại nghề nghiệp trong quá trình sản xuất gây ra đối với người lao động càng tăng. Việc nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, sức khoẻ người lao động ngày càng trở nên cấp thiết. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định nồng độ bụi bông trong môi trường làm việc tại nhà máy TNHH Hanesbrands Việt Nam, bước đầu đánh giá tác động của bụi và các yếu tố ecgonomi tới sức khỏe của người lao động.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu được thực hiện tại xưởng may áo lót Bra của Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam (HBI HYS), huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên với 200 công nhân lao động. Mặt hàng chính được sản xuất tại đây là áo lót nữ và quần sooc nam.
Mẫu bụi bông được lấy tại xưởng may áo lót Bra của Công ty vào 4 thời điểm khác nhau (quý 2/2019; quý 3/2019; quý 4/2019 và quý 1/2020).
Phương pháp lấy mẫu và phân tích nồng độ bụi bông tuân theo Tiêu chuẩn OSHA 29 CFR 1910.1043 [3]. Không khí được hút vào bộ đầu lấy mẫu là tấm sàng thẳng đứng có gắn cát- xét (cassette) chứa màng lọc PVC với cỡ lỗ lọc 5µm và đường kính 37mm bằng một bơm hút chân không EMERSOM model S37 MYHCB 1452, tốc độ lấy mẫu được kiểm soát ở 7,4±0,2lít/phút. Mẫu được lấy trong một ca làm việc bình thường của công nhân (8 tiếng). Vật liệu lọc được cân bằng cân phân tích có độ nhạy 10-5‑g, AE 240 Mettler trong điều kiện môi trường phòng cân phải đảm bảo điều kiện nhiệt độ 25 ± 20C và độ ẩm không khí 55±5%. Mẫu đối chứng luôn được tiến hành song song, cùng quy trình với mẫu hiện trường trong suốt quá trình lấy mẫu. Mẫu thu thập được giữ lại trên màng lọc. Cân vật liệu lọc trước và sau lấy mẫu. Dựa vào lượng bụi thu được và thể tích không khí đã lấy mẫu để tính nồng độ bụi bông trong không khí, đơn vị tính là mg/m3.
Lượng bụi bông đi vào hệ hô hấp có thể tính dựa theo nồng độ bụi phơi nhiễm thực tế và được xác định công thức của Layton (1993) và các thông số tham khảo dựa trên sổ tay hướng dẫn tính nồng độ phơi nhiễm của USEPA [4] theo công thức 1 và 2. Các thông số tính toán được tham khảo từ sổ tay phơi nhiễm của USEPA (2011) về xác định hệ số hít thở [4].
ED = C VE t (1)
VE = BMR MET VQ H (2)
Trong đó:
- ED là lượng phơi nhiễm bụi bông của 1 công nhân trong 1 ngày làm việc (mg);
- C là nồng độ phơi nhiễm mg/m3;
- VE là lưu lượng không khí mà công nhân hít vào (m3/phút);
- t là thời gian phơi nhiễm trong 1 ngày làm việc 8 giờ (480 phút);
- BMR là nhu cầu năng lượng tối thiểu để duy trì trao đổi chất của tế bào ở trạng thái nghỉ ngơi và không tiêu hoá thức ăn tích cực (MJ/phút). Theo [4]: BMR = 5,9MJ/ngày = 0,0041MJ/phút.
- MET là hệ số biểu thị mức độ hoạt động cơ bắp của công nhân. Theo [4]: MET=2;
- H là thể tích oxi cần thiết để tạo ra 1MJ năng lượng (m3/MJ). Theo [4]: H=0,05lít/KJ= 0,05m3/MJ;
- VQ là hệ số biểu thị tỷ lệ giữa thể tích không khí hít vào trên thể tích ô xy hấp thu được. Theo [4]: VQ=27.
Tiến hành điều tra theo phiếu, phỏng vấn có lựa chọn, quan sát và ghi chép tại chỗ được thực hiện nhằm thu thập các số liệu hiện có của nhà máy về môi trường lao động, điều kiện lao động, tình trạng sức khỏe của người lao động tại cơ sở sản xuất theo hướng dẫn tiếp cận Ecgônômi [5].
Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê Excel 2010 để so sánh giữa các đối tượng nghiên cứu.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và một số bệnh điển hình liên quan đến nghề nghiệp ở công nhân
Công ty Hanesbrands Nam Hưng Yên đã đi vào hoạt động từ năm 2014 nên tỷ lệ công nhân làm việc trên 5 năm là 20,45%. Công nhân có tuổi đời trẻ, chủ yếu từ 18-25 tuổi chiếm 38,1%; từ 25-40 tuổi chiếm 46,3% và còn lại là trên 40 tuổi (theo số liệu từ phòng nhân sự).
Dựa trên kết quả khảo sát, bệnh phổ biến đối với người công nhân là bệnh xương khớp và hô hấp thông qua 176 phiếu điều tra thực hiện với công nhân sản xuất (Bảng 1). Đáng chú ý là công nhân mắc vấn đề về cơ xương khớp đa phần có độ tuổi từ 30-40 tuổi và đây là những người có tuổi nghề trên 5 năm, trong khi đó bệnh hô hấp có tỷ lệ phân bố đều ở các độ tuổi.
Bảng 1. Tỷ lệ công nhân than phiền về sức khoẻ
Vấn đề về xương khớp |
Vấn đề về đường hô hấp |
Cả vấn đề về hô hấp và xương khớp |
Không phàn nàn về sức khỏe |
|
Tỷ lệ (%) |
21,02% |
18,18% |
12,5% |
48,3% |
Chất lượng không khí trong môi trường làm việc (tác nhân bụi bông), tư thế ngồi và không gian cũng được xem xét đánh giá ảnh hưởng sức khỏe như trong nghiên cứu này (Hình 1). Tác nhân bụi bông và tư thế ngồi là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người công nhân. Có đến 52,27% số công nhân cho rằng điều kiện làm việc có vấn đề với bụi trong phân xưởng, tuy nhiên, chỉ có 5,68% công nhân có cảm giác khó thở trong giờ làm việc. Nguyên nhân có thể do tuổi nghề của công nhân ở đây còn khá trẻ, tới trên 80% là có tuổi nghề dưới 5 năm. Điều này cũng phù hợp với một nghiên cứu cho thấy số công nhân mắc bệnh viêm phế quản mạn tính nhưng chưa có biểu hiện rối loạn chức năng hô hấp thường có tuổi nghề dưới 10 năm lao động [5]. Đối với những người có tuổi nghề trên 10 năm, cùng với việc mắc bệnh viêm phế quản mạn tính còn có cả biểu hiện rối loạn thông khí. Với những công nhân chịu tác động phối hợp giữa bụi, tiếng ồn và rung có biểu hiện bệnh lý nặng hơn [5].
Có 46,59% công nhân cảm thấy chưa phù hợp về vị trí và tư thế ngồi, đặc biệt là đau lưng (68,75%), đau cổ vai gáy (48,86%) và mỏi tay chân (40,91%) (Hình 2). Do thói quen khi may của công nhân là lưng cong hình chữ C, cổ bị cúi so với phương thẳng đứng hơn 30O do một số máy vắt sổ có chiều cao thấp, công nhân phải may với độ chính xác cao nên việc cúi là bắt buộc, chân bị vướng máy ở dưới nên không thể vuông góc, tay không được dựa đỡ bởi bất cứ vật gì nên sau thời gian làm việc dài sẽ mỏi tay. Mặt khác, ánh sáng tại các máy may rất yếu, khó có thể nhìn thấy khi mắt ở xa trong tư thế ngồi đúng, vậy nên công nhân thường phải cúi ở vị trí cách kim may khoảng 20-25cm làm cho khả năng tiếp xúc với bụi bông là rất lớn.
Ở các xưởng may công nghiệp chủ yếu là nhập máy may của nước ngoài, do đó thiết kế ghế ngồi và bàn làm việc chưa phù hợp với phần lớn công nhân Việt Nam. Trên thực tế, hầu hết ghế ngồi đều không có tựa lưng và mặt ghế làm bằng gỗ cứng. Sự không phù hợp giữa các loại máy, vốn được thiết kế cho người nước ngoài, với đặc điểm nhân trắc của người Việt Nam chính là nguyên nhân làm tăng tư thế lao động bất hợp lý. Ngoài ra, việc phải ngồi lâu trong một tư thế, tay chân phải hoạt động ít được nghỉ ngơi, công nhân ngành may có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan tới xương, khớp như thường bị đau mỏi ở vùng lưng, vùng vai, vùng gáy, vùng thắt lưng. Ecgônômi là tiếp cận mới trong cải thiện điều kiện làm việc của công nhân may.
3.2. Đánh giá nhận thức của công nhân may về việc áp dụng Ecgônômi
Khảo sát nhận thức của công nhân may đối với việc thực hiện các yêu cầu ecgonomi tại công ty HBI HYS được tóm tắt trên Hình 3. Kết quả cho thấy tỷ lệ hiểu và biết vận dụng và duy trì thực hiện các yêu cầu ecgonomi còn rất thấp (6%). Tại nhà máy, công nhân được sử dụng ghế Ecgônômi ngay từ khi bắt đầu làm việc tại nhà máy, tuy nhiên hơn một nửa số công nhân được khảo sát không biết sử dụng ghế (50,57%) và chỉ có 11,93% là sử dụng thành thạo.
Hình 3. Kết quả khảo sát đối với công nhân may công ty HBI HYS về:
(a) Tuân thủ đeo khẩu trang của công nhân xưởng Bra; (b) Thời gian di chuyển của công nhân;
(c) Biết cách sử dụng ghế Ecgônômy; (d) Hiểu biết của công nhân về chương trình Ecgônômy và việc duy trì thói quen
Trong thời gian dịch bệnh Covid 19 bùng phát tại Việt Nam, công ty đã tổ chức chương trình để công nhân trang bị các kiến thức về dịch bệnh, nhờ đó hầu hết công nhân ý thức được việc đeo khẩu trang và dần tạo được thói quen đeo khẩu trang trong lúc làm việc và đeo đúng cách (66,46%). Số công nhân không đeo hay đeo không đúng cách đều nhận thức việc đeo khẩu trang là cần thiết, tuy nhiên biện hộ về sự khó chịu khi đeo khẩu trang trong thời gian làm việc dài.
Trong ca làm việc, đa số công nhân ít di chuyển (71%), hoặc chỉ di chuyển khi đi ăn, ra về hoặc là thời gian vệ sinh 5S (19,09%). Chỉ có 12% công nhân di chuyển thường xuyên do họ là người vận chuyển bán thành phẩm hoặc làm việc ở bộ phận QA.
3.3. Hiện trạng bụi bông tại xưởng may áo Bra
Kết quả xác định nồng độ bụi bông tại xưởng Bra trong 4 quý thấp hơn giá trị giới hạn cho phép theo QCVN 02:2019/BYT từ 2-10 lần (Hình 4) và có xu hướng giảm dần. Điều này có thể lý giải do dịch bệnh Covid đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành may mặc nói riêng, chính vì vậy, công ty đã giảm công suất sản xuất dẫn đến việc phát thải bụi bông cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, để đảm bảo môi trường lao động, công ty lắp đặt hệ thống điều hoà không khí và lọc bụi giảm lượng bụi và cải thiện điều kiện làm việc trong phân xưởng sản xuất. Tần xuất vệ sinh hệ thống là 1 lần/ngày vào lúc 11h đêm, khi tất cả công nhân tan ca. Bên cạnh đó, công ty đã áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, áp dụng Ecgônômi trong suốt quá trình làm việc của công nhân. Do vậy, đây cũng là các nguyên nhân có thể làm giảm thải bụi bông phát sinh trong môi trường làm việc.
Hình 4. Biến thiên nồng độ bụi bông (mg/m3) theo thời gian tại 3 công ty dệt may
(Số liệu quan trắc định kỳ của Trạm Quan trắc và Phân tích môi trường lao động)
Xu thế giảm công suất do dịch Covid 19 và nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc ở các doanh nghiệp ngành Dệt may cũng thể hiện khi so sánh số liệu quan trắc về bụi bông trong môi trường lao động với các công ty dệt may như Công ty CP Dệt Vĩnh Phú - Phú Thọ và Công ty CP Dệt Hà Nội dựa trên số liệu quan trắc định kỳ (Hình 4).
3.4. Đánh giá phơi nhiễm
Tính toán liều phơi nhiễm bụi bông của các đối tượng là người lao động tại công ty HBI HYS dựa trên các số liệu khảo sát thực tế: đối tượng phơi nhiễm là nữ, với tuổi trung bình từ 18-30 tuổi, cân nặng 50-60 kg. Hoạt động may mặc được xếp loại hoạt động có cường độ tác động vừa. Thời gian làm việc 1 ca là 8 tiếng.
Kết quả ước tính liều phơi nhiễm bụi bông theo thời gian được thể hiện ở Hình 5. Lượng phơi nhiễm bụi bông đối với 1 công nhân trong 1 ca làm việc có xu thế giảm dần. Điều này có thể được giải thích là do sự phụ thuộc vào sản lượng, công nghệ sản xuất cũng như nỗ lực áp dụng các giải pháp quản lý môi trường của Công ty trong thời gian qua.
Hình 5. Lượng phơi nhiễm bụi bông của công nhân tại công ty HBI HYS
Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy rằng, phơi nhiễm bụi bông trong thời gian làm việc sẽ tăng nguy cơ cho bệnh hô hấp như ho, có đờm, thở khò khè, khó thở, tức ngực, viêm phế quản mãn tính và viêm phổi [6]. Lượng phơi nhiễm trong nghiên cứu này thấp hơn lượng phơi nhiễm cá nhân đối với các công nhân đang làm việc tại các ngành công nghiệp dệt may ở Nepal [7]. Ngoài ra, lượng phơi nhiễm của các công nhân sẽ biến thiên mạnh theo bộ phận sản xuất, ở bộ phận dệt và may mặc có lượng phơi nhiễm thấp nhất, tiếp đến là bộ phận sản xuất thảm. Lượng phơi nhiễm cao nhất được xác định ở các công nhân làm việc ở bộ phận tái chế [7]. Công nhân dệt may nam có nguy cơ mắc các triệu chứng về hô hấp cao hơn công nhân dệt may nữ ở công ty dệt may Northwest Ethiopia có thể do lượng hít thở cao hơn [8].
4. KẾT LUẬN
Nghiên cứu được thực hiện nhằm bước đầu đánh giá mức phơi nhiễm bụi bông đối với công nhân may. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng phơi nhiễm như thời gian, công suất sản xuất, nỗ lực cải thiện môi trường lao động. Nồng độ bụi bông trong cơ sở may được nghiên cứu không vượt quá giới hạn cho phép theo QCVN 02:2019/BYT. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của các yếu tố ecgônômi tới sức khỏe người lao động ngành dệt may sẽ giúp phát hiện sớm, hạn chế và tiến tới loại bỏ các yếu tố có hại, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khoẻ của người lao động và các yếu tố ecgônômi cần được tiếp tục nghiên cứu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. N. Jahan, M. Das, R. Mondal, S. Paul, Trissa Saha, R. Akhtar, Abdul Mahid Khan, Palash Chandra Banik. (2015) Prevalence of musculoskeletal disorders among the Bangladeshi garments workers, Sikkim Manipal University Medical Journal, Vol 2 (1): 102-113, 2015.
[2]. Joseph B, Minj C, Fernandes G, Marandi M. (2011) A longitudinal study of the morbidity and nutritional status of workers employed in a garment factory, Pakítan J Med Sci 27(1):41-43
[3]. Occuptation safety and health cotton dust standard 29 CFR 1910.1043.
[4]. USEPA, “Exposure factors handbook: 2011 adittion”, chapter 6, 2011
[5]. Ergonomics guidelines for occupational health practice in industrially developing countries (2010), ISBN 978-3-935089-16-3 IEA and ICOH 2010.
[6]. Sangeetha B.M., M.Rajeswari, S. Atharsha, K.Saranyaa Sri, S.Ramaya (2013) Contton dust level in textile industries and its impact on human, International Journal of scientific and research publications, vol. 3(4): 1-6.
[7]. Priyamvada Paudyal, Sean Semple, Robert Niven , Gael Tavernier And Jonathan (2011) Exposure to Dust and Endotoxin in Textile Processing Workers, Ann. Occup. Hyg., Vol. 55(4): 403–409.
[8]. Sintayehu Daba Wami, Daniel Haile Chercos, Awrajaw Dessie, Zemichael Gizaw, Atalay Getachew, Tesfaye Hambisa, Tadese Guadu, Dawit Getachew and Bikes Destaw (2018) Contton dust exposure and self reported respiratory symptoms among textile factory workers in Northwest Ethiopia: a comparative cross-sectional study, Journal of occupational medicine and toxicology, Vol 13:1-7
TS. Nguyễn Thị Thu Hiền*, Võ Thị Lệ Hà, Phạm Thị Tuyết Nhung, Đặng Phương Anh, Hoàng Thị Thu Hương
Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội