Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ cấp Tổng Liên Đoàn gồm có 7 thành viên do GS.TS Lê Vân Trình – Hội KHKT An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam làm Chủ tịch.
ThS. Nguyễn Hoàng Phương thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu giải pháp kiểm soát rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại một số cơ sở đóng tàu biển góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp” được thực hiện với 2 mục tiêu chính: 1). Đánh giá được rủi ro An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (AT&SKNN) tại một số cơ sở đóng tàu biển; 2). Đề xuất được giải pháp kiểm soát rủi ro AT&SKNN cho cơ sở đóng tàu biển.
Để đạt được 2 mục tiêu chính của nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã thực hiện những nội dung sau:
- Nghiên cứu tổng quan tình hình đóng tàu biển tại Việt Nam;
- Nghiên cứu nhận diện, phân loại mối nguy, phân tích và đánh giá rủi AT&SKNN trong các cơ sở đóng tàu biển đã được lựa chọn;
- Xếp loại rủi ro AT&SKNN làm cơ sở để đề xuất các giải pháp kiểm soát rủi ro AT&SKNN tại các cơ sở đóng tàu biển;
- Áp dụng giải pháp kiểm soát rủi ro AT&SKNN ở 01 cơ sở sản xuất và đánh giá hiệu quả đạt được.
Kết quả, nhiệm vụ đã đạt được 02 mục tiêu đề ra:
1. Đã đánh giá được rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại một số cơ sở đóng tàu biển, cụ thể là 05 cơ sở khảo sát tại khu vực phía Bắc.
-Sử dụng ma trận đánh giá rủi ro 5x5 đối với các mối nguy về ATLĐ; phương pháp đánh giá rủi ro SKNN gây ra do MTLĐ bất lợi được Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động nghiên cứu xây dựng; phương pháp phân loại ĐKLĐ theo các mức căng thẳng, mức nặng nhọc của Nga; phương pháp đánh giá rủi ro cơ xương khớp REBA; kết hợp với dữ liệu về phân loại lao động theo chức danh nghề tại cơ sở, đề tài đã cơ bản đánh giá được mức rủi ro AT&SKNN tại từng cơ sở.
- Các kết quả của đề tài đã cho thấy mối tương quan về mức rủi ro ATLĐ nói riêng và AT&SKNN nói chung tại các cơ sở được khảo sát, phần nào thể hiện hiệu quả hoạt động đảm bảo ATVSLĐ và quản lý rủi ro tại các cơ sở.
2. Đã đề xuất được giải pháp kiểm soát rủi ro AT&SKNN cho cơ sở đóng tàu biển.
- Các giải pháp kiểm soát rủi ro được đề xuất bao gồm các giải pháp chung có thể áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp đóng tàu tùy vào điều kiện cụ thể của cơ sở, và đã được áp dụng thử tại 01 công ty đóng tàu.
- Qua khảo sát, đánh giá, nhóm nghiên cứu nhận thấy ý thức của NLĐ chưa cao trong việc thực thi các quy định về an toàn và bảo vệ bảo thân, bởi vậy, đã lựa chọn áp dụng giải pháp nâng cao nhận thức và ý thức của NLĐ bằng việc tổ chức tập huấn nhận diện và đánh giá rủi ro tại cơ sở. Kết quả đánh giá sau tập huấn cho thấy NLĐ nhận thức được tầm quan trọng của việc nhận diện và đánh giá rủi ro, đồng thời đã thu được những hiểu biết nhất định về rủi ro AT&SKNN tại nơi làm việc, tuy nhiên vẫn cần thời gian để chuyển đổi từ nhận thức thành ý thức tự giác bảo vệ bản thân.
Sản phẩm đã đạt được của nhiệm vụ:
- Báo cáo tổng quan tình hình đóng tàu biển tại Việt Nam.
- Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro AT&SKNN của 05 cơ sở đóng tàu biển.
- Báo cáo các giải pháp kiểm soát rủi ro AT&SKNN cho cơ sở đóng tàu biển.
- Báo cáo kết quả áp dụng một số giải pháp kiểm soát rủi ro AT&SKNN cho 01 cơ sở đóng tàu biển.
- 02 bài báo đăng trên các tạp chí Khoa học.
Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Lê Vân Trình đã tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và đưa ra kết luận như sau: Nhiệm vụ đã hoàn thành đầy đủ nội dung, khối lượng và đưa ra được sản phẩm tương ứng, đáp ứng được mục tiêu như đề cương đã được phê duyệt theo đúng tiến độ, thời gian; Các sản phẩm của nhiệm vụ đều có chất lượng tốt và giá trị thực tiễn cao; Phần Tổng quan của nhiệm vụ viết rất tốt, đã khái quát được các mối nguy, cách nhận diện, phương pháp đánh giá rủi ro rủi ro AT&SKNN trong ngành đóng tàu biển và các giải pháp kiểm soát; Phương pháp nghiên cứu hợp lý và được vận dụng có sáng tạo; Dựa trên kết quả khảo sát, nhiệm vụ tổng hợp đưa ra các số liệu, báo cáo về tình hình công tác An toàn vệ sinh lao động tại 5 cơ sở đóng tàu và đã phân tích để đưa ra được những giải pháp kiểm soát soát rủi ro AT&SKNN cụ thể và áp dụng thử cho 01 đơn vị trên thực tế. Hội đồng cũng đã chỉ ra một một số điểm cần chỉnh sửa, bổ sung để giúp báo cáo tổng kết của nhiệm vụ được hoàn thiện hơn:
- Bổ sung đánh giá thực trạng trong phần phân tích mối quan hệ nhân quả giữa môi trường lao động và sức khỏe nghề nghiệp.
- Bổ sung phần ước lượng hiệu quả của một số giải pháp được đề xuất.
- Bổ sung một số hình ảnh đại diện trong quá trình khảo sát thực tế (khi được sự đồng ý của lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát).
Hội đồng nhất trí cho nghiệm thu nhiệm vụ chính thức cấp Tổng Liên đoàn trên cơ sở chỉnh sửa và bổ sung theo góp ý của Hội đồng.
HT
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)