logo_tram.jpg

ISO 9001:2015

VIMCERTS 025

 

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

NATIONAL WORKING ENVIRONMENT MONITORING STATION

 

vilas1.png

VILAS 441

Trang chủ»Nghiên cứu khoa học»Thông tin KHCN & Môi trường»Nghiên cứu cải thện môi trường lao động làng nghề gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

Nghiên cứu cải thện môi trường lao động làng nghề gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

Kết quả đo đạc môi trường không khí xung quanh tại làng nghề gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, nồng độ SO2 và bụi vượt quy chuẩn lần lượt 1,4-2,1 và 6,7-7,0 lần. Nồng độ bụi tại khu vực lò nung gốm trong quá trình bốc dỡ sản phẩm cao hơn quy chuẩn 25,3-70 lần. Khi áp dụng mô hình kết hợp che bạt và phun sương nồng độ bụi giảm đáng kể và đạt quy chuẩn quy định: Tại vị trí bốc dỡ sản phẩm gốm hiệu suất đạt được 99%; Tại vị trí cuối hướng gió, cách lò nung gốm 4m hiệu suất đạt được 98%. Bài báo cũng đề xuất một số biện pháp bảo vệ môi trường cho làng nghề gốm Thanh Hà, Thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam.

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Làng nghề gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là một trong những làng nghề truyền thống khá độc đáo và nổi tiếng, được hình thành cách đây 500 năm (UBND TP. Hội An, 2015). Ngày nay hoạt động của làng nghề gốm Thanh Hà, không chỉ có ý nghĩa giữ gìn nét văn hóa truyền thống dân tộc, mà còn là một địa điểm du lịch nổi tiếng cho du khách trong và ngoài nước trong hành trình về với Hội An - Di sản văn hóa Thế giới, đây cũng là một trong những hoạt động đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên việc phát triển làng nghề gốm Thanh Hà trong những năm gần đây còn một số hạn chế như: quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán, năng suất lao động thấp, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ chính gia đình của người lao động còn hạn chế. Nguyên liệu dùng cho sản xuất ở làng nghề gốm Thanh Hà chủ yếu là than đá và củi, khí thải từ lò nung gốm chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường, việc đầu tư xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường rất ít được quan tâm.

Nhằm mục đích bảo vệ môi trường cho làng nghề gốm Thanh Hà trong quá trình sản xuất qua đó thu hút khách du lịch đến tham quan làng nghề cần có các khảo sát và đánh giá hiện trạng môi trường từ đó đề ra các phương pháp kiểm soát ô nhiễm đạt hiệu quả cao mà giá thành lại hợp lý.

Từ những vấn đề thực tế trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất biện pháp cải thiện môi trường lao động cho làng nghề gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Hoạt động sản xuất gốm tại làng nghề gốm Thanh Hà.

Môi trường không khí, môi trường lao động làng nghề gốm Thanh Hà.

Các biện pháp bảo vệ môi trường cho làng nghề gốm Thanh Hà.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp thu thập số liệu

Điều tra, thu thập các số liệu về tình hình sản xuất tại làng nghề.

2.2.2. Phương pháp lấy mẫu và phân tích

Lấy mẫu và phân tích mẫu không khí một số điểm tại khu vực làng nghề gốm Thanh Hà (Hình 1 và 2).

22. hinh 1

Để đánh giá hiện trạng môi trường không khí tại khu vực nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu như sau:

- Môi trường không khí xung quanh lúc lò nung không có ống khói hoạt động, tiến hành lấy mẫu và phân tích mẫu khí trong 2 đợt:

+ Đợt 1 được lấy tại các vị trí K1 (cuối hướng gió cách lò nung nhỏ hộ Ông Nguyễn Ngữ 1m), K2 (cuối hướng gió cách lò nung nhỏ hộ Ông Nguyễn Ngữ 20m).

+ Đợt 2 được lấy tại các vị trí K3 (cuối hướng gió cách lò nung nhỏ hộ Ông Lê Văn Xê 1m), K4 (cuối hướng gió cách lò nung nhỏ hộ Ông Lê Văn Xê 20m).

- Môi trường không khí lúc lò nung có ống khói hoạt động: tiến hành lấy mẫu và phân tích tại các vị trí K5 (tại ống khói lò nung gốm hộ Ông Nguyễn Lành), K6 (cuối hướng gió cách lò nung gốm hộ Ông Nguyễn Lành 20m).

- Môi trường không khí trong quá trình bốc dỡ sản phẩm gốm: tiến hành lấy mẫu và phân tích mẫu khí trong 2 đợt:

+ Đợt 1 được lấy tại các vị trí K7 (mẫu trong quá trình bốc dỡ sản phẩm lò nung nhỏ hộ Ông Lê Văn Xê đợt 1), K8 (mẫu trong quá trình bốc dỡ sản phẩm lò nung nhỏ hộ Ông Lê Văn Xê cuối hướng gió 4m đợt 1).

+ Đợt 2 được lấy tại các vị trí K9 (mẫu trong quá trình bốc dỡ sản phẩm lò nung nhỏ hộ Ông Lê Văn Xê đợt 2), K10 (mẫu trong quá trình bốc dỡ sản phẩm lò nung nhỏ hộ Ông Lê Văn Xê cuối hướng gió 4m đợt 2).

2.2.3. Phương pháp thực nghiệm

Thực hiện giải pháp che bạt kết hợp với phun sương khu vực bốc dỡ nhằm dập bụi trong quá trình bốc dỡ sản phẩm (Đặng Kim Chi và cs, 2012).

Chi phí thực hiện giải pháp che bạt kết hợp với phun sương được trình bày ở Bảng 1.

+ Đo nồng độ bụi trước khi thực hiện giải pháp tại vị trí K9, K10.

+ Thực hiện che bạt khu vực lò nung phía cuối hướng gió và lắp đặt hệ thống phun sương như Hình 3.

+ Khi bốc dỡ sản phẩm, tiến hành phun sương, đồng thời lấy mẫu bụi ở vị trí K11 (hộ Ông Lê Văn Xê, khi áp dụng mô hình) và K12 (hộ Ông Lê Văn Xê, cuối hướng gió cách lò 4m, khi áp dụng mô hình).

+ So sánh nồng độ bụi trước và sau khi áp dụng giải pháp.

Bảng 1. Chi phí thực hiện giải pháp che bạt kết hợp với phun sương

STT

Thiết bị

Đơn vị

Số lượng

Chi phí (đồng)

1

Máy nén áp lực A60 (Lưu lượng: 1LPM; Công suất: 30W; Áp lực: 130psi)

Cái

1

820.000

2

Dây dẫn chịu nhiệt

m

15

120.000

3

Đầu phun (péc loại 2)

Cái

12

240.000

4

Lọc nước

Cái

1

100.000

5

Bạt che

Cái

1

120.000

 

Tổng cộng

   

1.400.000

 

22. hinh 3

 

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tình hình sản xuất gốm tại làng nghề

3.1.1. Quy trình sản xuất gốm

Sơ đồ quy trình sản xuất gốm tại làng nghề gốm Thanh Hà kèm theo dòng thải được trình bày ở Hình 4.

Đất sét đem về được đổ nước vào, dùng xuồng xăm kĩ, nhào nhuyễn rồi dùng kéo xén đất, cắt mỏng 3 đến 4 lần. Sau đó dùng sức người đạp đi đạp lại để tăng độ liên kết. Khi đất đã được nhào nhuyễn kĩ thì chia thành từng phần mới bắt đầu tạo dáng. Khi đã tạo dáng xong thì đem ra ngoài phơi nắng. Phơi gốm se lại thì có 1 người sẽ dập hoa văn hay trang trí tùy ý. Đối với sản phẩm có đáy bầu sau khi phơi se lại thì được đưa vào bàn xoay úp ngược rồi dùng 1 dụng cụ “vòng tròn” để tạo dáng lần cuối.

Sau khi gốm được phơi kĩ thì chất vào lò. Nhóm lửa khoảng 7 - 8 giờ khi thấy khói đốt đã hết mới bắt đầu đốt thật lớn cho đến khi chín thì nghỉ lửa. Người thợ dùng “gốm thăm” trong lò kéo ra để thử. Nghỉ lửa thì phá cửa lò cho rộng để mau nguội, khoảng 1 ngày sau lấy gốm ra khỏi lò.

22. hinh 4

3.1.2. Quy mô sản xuất

Hiện tại làng nghề gốm Thanh Hà có 8 cơ sở sản xuất gốm quy mô nhỏ hộ gia đình đang hoạt động. Nguyên liệu, nhiên liệu chính cho quá trình sản xuất bao gồm đất sét, nước, than đá, củi. Sản phẩm gốm như: nồi đất, bình hoa, lồng binh, tò he, lồng đèn bằng gốm, các mô phỏng kỳ quan thế giới,…

Các dạng lò nung được sử dụng ở làng nghề chủ yếu lò nung nhỏ (lò hộp) không có ống khói, lò nung úp (lò lớn) có/không có ống khói

Quá trình sản xuất gốm phát sinh nhiều khí và bụi nên các hộ tham gia làm gốm đều đã tự trang bị cho mình các phương tiện bảo vệ cá nhân như: găng tay, kính, khẩu trang.

3.2. Hiện trạng môi trường không khí tại khu vực làng nghề gốm Thanh Hà

3.2.1. Môi trường không khí xung quanh lúc lò nung không có ống khói hoạt động

Kết quả phân tích so với quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT (Bảng 2) cho thấy các chỉ tiêu khảo sát đều nằm trong giới hạn cho phép, riêng SO2 và bụi tại một số điểm vượt quy chuẩn, cụ thể: tại K1 SO2 cao gấp 2,07 lần, bụi cao gấp 6,67 lần; tại K2 bụi cao gấp 1,27 lần; tại K3 SO2 cao gấp 1,38 lần, bụi cao gấp 7 lần; tại K4 bụi cao gấp 1,2 lần.

Bảng 2. Chất lượng MTKK xung quanh lúc lò nung không có ống khói hoạt động

STT

Chỉ tiêu khảo sát

ĐVT

K1

K2

K3

K4

QCVN

1

Nhiệt độ

oC

34

34

33

33

-

2

Độ ẩm

%

70

70

71

71

-

3

Tốc độ gió

m/s

0,44

0,46

0,48

0,5

-

4

NO2

mg/m3

0,151

0,067

0,101

0,050

0,20 (*)

5

SO2

mg/m3

0,723

0,220

0,482

0,120

0,35 (*)

6

CO

mg/m3

5,48

2,41

6,14

2,15

30 (*)

7

Bụi tổng

mg/m3

2,00

0,38

2,10

0,36

0,30 (*)

8

Tiếng ồn

dBA

56

54

57

54

70 (**)

Ghi chú: (*) QCVN 05:2013/BTNMT và (**) QCVN 26:2010/BTNMT.

3.2.2. Khí thải và môi trường không khí xung quanh khi lò nung có ống khói hoạt động

Kết quả phân tích (Bảng 3) cho thấy nồng độ bụi và hơi khí độc trong khí thải đều nằm trong giới hạn cho phép.

Bảng 3. Chất lượng khí thải của ống khói lò nung

STT

Chỉ tiêu khảo sát

ĐVT

Vị trí K5

QCVN 19:2009/BTNMT

1

Nhiệt độ

oC

500

-

2

Độ ẩm

%

50

-

3

Vận tốc dòng khí

m/s

0,72

-

4

NO2

mg/m3

3,75

850

5

SO2

mg/m3

9,14

500

6

CO

mg/m3

12,6

1.000

7

Bụi tổng

mg/m3

18,4

200

Kết quả phân tích mẫu khí xung quanh (Bảng 4) cho thấy các chỉ tiêu đo đạc đều nằm trong giới hạn cho phép.

Bảng 4. Chất lượng MTKK xung quanh lúc lò nung có ống khói hoạt động

STT

Chỉ tiêu khảo sát

ĐVT

Vị trí K6

QCVN

1

Nhiệt độ

oC

30

-

2

Độ ẩm

%

62

-

3

Tốc độ gió

m/s

0,74

-

4

NO2

mg/m3

0,065

0,20 (*)

5

SO2

mg/m3

0,226

0,35 (*)

6

CO

mg/m3

<5

30 (*)

7

Bụi tổng

mg/m3

0,13

0,30 (*)

8

Tiếng ồn

dBA

54

70 (**)

Ghi chú: (*): QCVN 05:2013/BTNMT và (**): QCVN 26:2010/BTNMT.

3.2.3. Môi trường không khí trong quá trình bốc dỡ sản phẩm

Kết quả phân tích (Bảng 5) cho thấy các chỉ tiêu khảo sát đều nằm trong giới hạn cho phép, riêng bụi cao hơn quy chuẩn, cụ thể: tại K7 bụi cao gấp 70 lần, tại K8 bụi cao gấp 26,3 lần, tại K9 bụi cao gấp 67,3 lần, tại K10 bụi cao gấp 25,3 lần.

Bảng 5. Chất lượng MTKK trong quá trình bốc dỡ sản phẩm

STT

Chỉ tiêu khảo sát

ĐVT

K7

K8

K9

K10

QCVN

1

Nhiệt độ

oC

31

30,5

32

31

-

2

Độ ẩm

%

60

61

59

60

-

3

Tốc độ gió

m/s

0,57

0,57

0,47

0,47

-

4

Bụi tổng

mg/m3

21

7,9

20,2

7,6

0,30 (*)

5

Tiếng ồn

dBA

55

50

55

51

70 (**)

Ghi chú: (*): QCVN 05:2013/BTNMT và (**): QCVN 26:2010/BTNMT.

3.3. Đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường tại làng nghề gốm Thanh Hà

3.3.1. Các biện pháp kỹ thuật

a) Lắp đặt chụp hút khí thải tự nhiên ở nóc lò

Các biện pháp kỹ thuật xử lý chất ô nhiễm tại làng nghề được thiết kế áp dụng đối với hộ ông Lê Văn Xê. Từ đó có thể triển khai áp dụng đối với các hộ làm gốm tương tự trong Làng nghề gốm Thanh Hà, TP. Hội An.

Do lò nung nhỏ không có ống khói, nên lượng khói và khí thoát ra xung quanh nóc lò gây ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng đến người lao động và môi trường xung quanh.

Mục đích lắp đặt chụp hút khí ở nóc lò nhằm hút khí nóng, giảm lượng khói phát tán ra môi trường xung quanh, giúp tăng hiệu suất đốt cháy sản phẩm (Trần Ngọc Chấn, 1998).

b). Biện pháp che bạt kết hợp phun sương dập bụi trong quá trình bốc dỡ sản phẩm

Biện pháp che bạt kết hợp với phun sương được áp dụng thử nghiệm tại hộ ông Lê Văn Xê. Kết quả được trình bày ở Hình 5.

Kết quả đo đạc cho thấy khi áp dụng biện pháp che bạt kết hợp phun sương,nồng độ bụi giảm đáng kể: tại vị trí bốc dỡ sản phẩm, hiệu suất giảm bụi đạt 99%; tại vị trí cuối hướng gió, cách lò nung 4m, hiệu suất giảm bụi đạt 98%.

 

22. hinh 5

3.3.2. Quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Đặc điểm của mô hình sản xuất tại làng nghề gốm Thanh Hà đó là nơi sản xuất, sinh hoạt và cũng là điểm tham quan du lịch, do đó, để hạn chế tác động xấu tới môi trường và sức khỏe, thực hiện quy hoạch không gian hộ sản xuất như ở Hình 6.

 

22. hinh 6

Hộ sản xuất cần:

+ Xây tường bao xung quanh;

+ Xây hộc chứa than đá;

+ Xây tường ngăn giữa nơi sản xuất và nơi nung gốm;

+ Trồng các loại cây xanh như cây liễu, cây phượng, cây sồi xung quanh tường bao (Hoàng Thị Hiền, 2001). Cây xanh có thể làm giảm nồng độ bụi trong không khí từ 20-65%, giảm ô nhiễm chất khí độc hại trong môi trường 10-35%. Các dãy cây xanh trồng dày đặc rộng 10-15m có thể giảm tiếng ồn 15-18dB (Phạm Ngọc Đăng, 2003).

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Hoạt động sản xuất của làng nghề gốm Thanh Hà đã có những tác động đến môi trường không khí trong khu vực sản xuất và khu vực dân cư xung quanh. Nồng độ bụi trong quá trình bốc dỡ sản phẩm là vấn đề đáng quan tâm nhất tại khu vực làng nghề.

Việc áp dụng biện pháp che bạt kết hợp với phun sương đã giảm thiểu đáng kể nồng độ bụi, cải thiện chất lượng không khí môi trường lao động và môi trường xung quanh. Ngoài ra, cần quy hoạch lại không gian sản xuất để hạn chế tác động xấu của quá trình làm gốm đến sức khỏe con người, đảm bảo môi trường sản xuất, sinh hoạt và phát triển du lịch bền vững.

Kiến nghị nghiên cứu chuyển đổi lò nung gốm bằng than, củi sang dùng lò nung gốm bằng gas hoặc điện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đặng Kim Chi, Nguyễn Ngọc Lân, Trần Lệ Minh (2012), Làng nghề Việt Nam và Môi trường, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

[2]. Hoàng Thị Hiền (2001), Thiết kế Thông gió Công nghiệp, NXB Xây dựng, Hà Nội.

[3]. Phạm Ngọc Đăng (2003), Môi trường không khí, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

[4]. Trần Ngọc Chấn (1998), Kĩ thuật thông gió, NXB Xây dựng, Hà Nội.

[5]. Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An (2015), Làng gốm Thanh Hà, truy cập lần cuối ngày 20/04/2021, từ <http://hoian.gov.vn/CMSPages/BaiViet/Default.aspx?IDBaiViet=12827>

 

TS. Phan Như Thúc1*, Phạm Thị Nhã Yên2

1Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

2Học viên Cao học, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

Tìm kiếm bài viết

Video

Ảnh hoạt động

IMG_8493 IMG_8515F IMG_8505 IMG_8488 IMG_8498 20150504_102136 20151212_151529 Ly mu cc yu t c hi khu vc may

Thông tin liên hệ

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Địa chỉ: 99 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Điện thoại: (+8424) 22172473; 22172480 - Fax: (8424) 3822 3011

Hotline: 0941042838

Email: [email protected] 

Website: https://Wemos.vn/

Cơ quan quyết định thành lập: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cơ quan quản lý trực tiếp: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

 

Dịch vụ

Thế mạnh đơn vị

Bản đồ

Thông tin được đăng tải có tính chất tham khảo, không có giá trị về mặt pháp lý

  • zalo-circle