logo_tram.jpg

ISO 9001:2015

VIMCERTS 025

 

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

NATIONAL WORKING ENVIRONMENT MONITORING STATION

 

vilas1.png

VILAS 441

Trang chủ»Nghiên cứu khoa học»Thông tin KHCN & Môi trường»Phương pháp chung phân loại điều kiện lao động, chất lượng vệ sinh môi trường lao động và đánh giá rủi ro sức khoẻ nghề nghiệp tại nơi làm việc

Phương pháp chung phân loại điều kiện lao động, chất lượng vệ sinh môi trường lao động và đánh giá rủi ro sức khoẻ nghề nghiệp tại nơi làm việc

Bài báo trình bày phương pháp phân loại điều kiện lao động VNNIOSH-2017 do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động xây dựng năm 2017 trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài mã số CTPH/2014/01/TLĐ-BKHCN trong Chương trình phối hợp giữa Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là phương pháp mới đánh giá, phân loại điều kiện lao động theo gánh nặng lao động tổng hợp của nhiều yếu tố điều kiện lao động. Đồng thời, bài báo trình bày phương pháp chung phân loại điều kiện lao động, chất lượng vệ sinh môi trường lao động và đánh giá rủi ro sức khoẻ nghề nghiệp tại nơi làm việc.

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Phương pháp phân loại điều kiện lao động (ĐKLĐ), chất lượng vệ sinh môi trường lao động (CLVS MTLĐ) và đánh giá rủi ro sức khỏe nghề nghiệp (RRSKNN) do gánh nặng lao động tổng hợp gây ra được xây dựng dựa trên cơ sở phương pháp của Liên Bang Nga ban hành năm 2014, phù hợp với các tiêu chuẩn vệ sinh lao động của Việt Nam theo quyết định 3733/2002/QĐ-BYT và các QCVN do Bộ Y Tế ban hành năm 2016 và 2019. Nội dung trình bày gồm:

1) Một số phương pháp phân loại ĐKLĐ;

2) Phương pháp phân loại ĐKLĐ VNNIOSH-2017;

3) Phương pháp chung phân loại ĐKLĐ, CLVS MTLĐ và đánh giá RRSKNN.

2. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP PHÂN LOẠI ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG

Hiện nay, Bộ lao động và thương binh xã hội vẫn đang sử dụng phương pháp cũ, trong đó, gánh nặng lao động được tính toán theo công thức của Viện khoa học lao động và các vấn đề xã hội đề xuất từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước:

4. CT 1

 

Công thức trên là kết quả nghiên cứu cải biên từ công thức do Viện khoa học lao động Liên xô đưa ra 4. CT Y. Hạn chế của công thức nằm ở chỗ: các nhà nghiên cứu Việt Nam chỉ chú ý đến tính gần đúng của công thức cải biên thu được mà không chú ý đến ý nghĩa tâm sinh lý của nó. Chẳng hạn, khi không có bất kỳ tác động nào: X=0, thì gánh nặng lao động cũng phải bằng không, nhưng tính theo (1) lại vẫn khác không (Y=2).

Việc đánh giá thông qua giá trị trung bình (X) của các chỉ tiêu có bản chất lý-hóa-sinh khác nhau, tác động lên con người và sinh thể theo những đường khác nhau là không có căn cứ về Vệ sinh học, về Sinh hóa học, về độc chất học và về Tâm-sinh lý học [3].

Việc xác định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo công thức tổng quát chỉ đúng cho những ngành nghề đã được kiểm chứng về điều kiện lao động. Không thể áp dụng tự động, máy móc cho các nghề, công việc mới có đặc thù độc hại chưa được nghiên cứu. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ cao, nếu theo phương pháp cũ đã nêu thì ĐKLĐ được đánh giá là tốt (loại 1 hoặc 2), nhưng các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra ảnh hưởng trực tiếp, tích lũy và mối nguy hiểm tiềm ẩn độc hại lâu dài và để lại di chứng cho cả thế hệ sau nữa [3]. Ngược lại, nếu các nghề, công việc cũ đã được đổi mới, hiện đại hóa thì không thể vẫn cứ coi là độc hại như trước.

Các tác nhân độc hại có thể tác động khuếch đại lẫn nhau, hoặc kích hoạt lẫn nhau, hoặc có tác động tổng cộng. Nhất là khi có mặt cùng lúc nhiều hơi khí hóa chất độc hại, gây ung thư. Ví dụ sự kết hợp của một số hơi khí độc hại với tiếng ồn, rung động hay kết hợp với bức xạ điện từ trường, bức xạ lazer, hoặc bức xạ ion hóa (kể cả ở liều thấp và cực thấp), v.v. Phương pháp cũ không giải quyết thấu đáo vấn đề này.

Trong thực tiễn, sau khi ở Liên Xô ban hành công thức đánh giá ĐKLĐ của Pukhov thì ở Việt Nam cũng được giới khoa học áp dụng nhưng chưa có văn bản nào quy định áp dụng bắt buộc. Ưu điểm của phương pháp này là đánh giá ĐKLĐ không theo giá trị trung bình của các yếu tố MTLĐ và các yếu tố quá trình lao động, mà dựa vào yếu tố tác động đặc trưng, mạnh nhất cộng thêm một số giá trị do tất cả các yếu tố còn lại gây ra.

Công thức Pukhov viết như sau:

4. CT 2 full

Các yếu tố điều kiện lao động được cho điểm theo nguyên tắc thống nhất với thang phân loại các mức độc hại của các yếu tố độc hại nhẹ, như sau:

Điểm y/t

1

2

3

4

5

6

Số lần vượt TCCP

(0,0; 1,0]

(1,0;2]

(2,0; 4,0]

(4,0; 7,0]

(7,0; 10,0]

(>10,0)

và của các yếu tố độc hại nặng:

Điểm y/t

1

2

3

4

5

6

Số lần vượt TCCP

(0,0; 1,0]

(1,0; 1,7]

(1,7; 2,3]

(2,3; 2,7]

(2,7; 3,0]

(>3,0)

Đối với một số tác nhân gây cảm giác chủ quan của con người như vi khí hậu, tiếng ồn thì giới hạn trên của mức 1 là giá trị cao nhất của miền gây cảm giác tiện nghi; giới hạn trên của mức 2 là giá trị cho phép. Giới hạn trên của các mức 3; 4; 5; 6 tương ứng với một bậc cảm giác gia tăng tới giới hạn chịu đựng được. Trên đó là mức 7 – mức nguy hiểm.

Sau khi nghiên cứu, khảo sát, đo đạc ở cơ sở để xác định các yếu tố độc hại và/hoặc nguy hiểm và gán điểm cho chúng, người ta tính toán theo biểu thức (1) hoặc (2), rồi dùng bảng dưới đây để xác định gánh nặng lao động tổng hợp và phân loại ĐKLĐ.

Số điểm Ut

≤10

≤18

18,1¸33

33,1¸45

45,1¸53

53,1¸59

59,1¸60

Phân loại gánh nặng LĐ

1

2

3

4

5

6

7

Phân loại ĐKLĐ

Hợp vệ sinh

Cho phép

Độc hại nhẹ

Độc hại trung bình

Độc hại nặng

Độc hại rất nặng

Nguy hiểm

Từ những năm 90 thế kỷ trước, ở Liên Xô và ở CHLB Nga các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế của công thức Pukhov, đó là: Đối với những nơi có từ 2 yếu tố đặc trưng trở lên thì công thức (2) trở nên bất định. Phần gia tăng cộng thêm do tác động của tất cả các yếu tố còn lại vẫn lấy trung bình – vi phạm nguyên tắc cơ bản của ngành độc chất học và chuyển hóa sinh học. Hơn nữa, số lượng các yếu tố tác động ngày một tăng thêm, các nghiên cứu nhất thể hóa thang điểm đánh giá tác động lên sức khỏe của các yếu tố mới chưa được kiểm chứng thật sự tin cậy, v.v. Bản thân việc xác định điểm của từng yếu tố có hại và/hoặc nguy hiểm để đưa vào biểu thức (1) hoặc (2) để tính toán ĐKLĐ, thực chất là một bước đánh giá trung gian đòi hỏi nhiều công sức thực hiện tại cơ sở sản xuất.

3. PHƯƠNG PHÁP PHÂN LOẠI ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG VNNIOSH-2017

Phương pháp VNNIOSH-2017 là phương pháp phân loại điều kiện lao động theo gánh nặng lao động tổng hợp được Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động xây dựng dựa trên cơ sở phương pháp của LB Nga ban hành năm 2014, phù hợp với các quy định về vệ sinh lao động trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của Việt Nam.

3.1. Thang đánh giá

Như đã biết, gánh nặng lao động là tổ hợp các yếu tố tác động lên người lao động trong quá trình lao động sản xuất. Để phân loại ĐKLĐ, người ta xây dựng thang đánh giá bán định lượng như dưới đây.

-     Thang 3 mức (Tốt; Trung bình; Kém);

-     Thang 5 mức (Rất tốt; Tốt; Trung bình; Kém; Rất kém);

-     Thang 6 mức (Rất tốt; Tốt; Đạt; Không đạt; Kém; Rất kém; Nguy hiểm);

-     Thang 7 mức (Rất tốt; Tốt; Ô nhiễm nhẹ; Ô nhiễm trung bình; Ô nhiễm nặng; Ô nhiễm rất nặng; Bẩn);

-     Thang 9 mức (Cực tốt; Rất tốt; Tốt; Khá tốt; Trung bình; Hơi kém; Kém; Rất kém; Tệ; Cực tệ).

Thực tiễn áp dụng các thang đánh giá nêu trên cho thấy:

-     Thang 3 mức hoặc 5 mức được coi là tiện lợi nhưng đánh giá khá thô;

-     Thang 6 mức hoặc 7 mức được coi là đánh giá khá chi tiết và đầy đủ.

Trong nhiều đánh giá hiện nay, thang 7 mức là phổ biến, thỏa mãn được tính đầy đủ và tính chi tiết. Phương pháp VNNIOSH-2017 sử dụng thang đánh giá 7 mức điều kiện lao động như sau:

Mức 1

Mức 2

Mức 3

Mức 4

Mức 5

Mức 6

Mức 7

Hợp vệ sinh

Chấp nhận được

Độc hại nhẹ

Độc hại trung bình

Độc hại nặng

Độc hại rất nặng

Nguy hiểm

Các mức ĐKLĐ kể trên được phân chia theo độ chỉ thị của yếu tố được xét. Như vậy, mỗi mức là một khoảng giá trị của độ chỉ thị. Thông thường người ta lấy chính đại lượng đo đạc tác nhân độc hại để làm chỉ thị. Ví dụ, nhiệt độ hiệu quả tương đương [oC] chỉ thị cho vi khí hậu; áp lực âm [dBA] chỉ thị cho tiếng ồn; hàm lượng [mg/m3] chỉ thị cho nồng độ tác nhân độc hại trong không khí, v.v.

3.2. Phân loại ĐKLĐ theo tác động tổng hợp của nhiều yếu tố

Sau khi đo đạc, xác định giá trị chỉ thị của từng yếu tố độc hại tạo nên gánh nặng lao động tổng hợp theo thang 7 mức nêu trên (các thang đánh giá 7 mức cho từng yếu tố được xây dựng riêng, phù hợp với các QCVN và các tiêu chuẩn vệ sinh đang có hiệu lực, ví dụ [1, 2]), chúng ta phân loại ĐKLĐ như sau [4, 5]:

1) Nếu tại vị trí làm việc, các yếu tạo nên gánh nặng lao động tổng hợp đều nằm trong phạm vi tối ưu hoặc cho phép thì ở vị trí đó thỏa mãn yêu cầu ĐKLĐ thuộc mức 1 và mức 2. Nếu dù chỉ một yếu tố nào đó, hoặc chuẩn chỉ thị của nhóm các yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì ĐKLĐ tại đó được phân loại chất lượng từ mức 3 đến mức 7, tùy vào mức vượt cụ thể và tổ hợp các mức vượt của các yếu tố được xét.

2) Phân loại ĐKLĐ có tính đến tác động phối hợp giữa các yếu tố độc hại.

Trên cơ sở các số liệu đo đạc các yếu tố tạo nên gánh nặng lao động tổng hợp, chúng ta phân loại ĐKLĐ theo thang 7 mức đối với từng yếu tố. Sau đó phân loại cuối cùng thực hiện như sau:

-     Nhận mức ĐKLĐ của yếu tố độc hại cao nhất (mức cao nhất nhận được theo thang 7 mức);

-     Trong trường hợp có tác động phối hợp của từ 3 yếu tố trở lên với mức 3 – độc hại nhẹ – thì đánh giá chung ĐKLĐ sẽ là mức 4 – độc hại trung bình;

-     Nếu có từ 2 yếu tố trở lên phối hợp với nhau với mức chất lượng 4, 5, 6 – thì đánh giá chung ĐKLĐ sẽ tương ứng nhận một mức cao hơn theo thang 7 mức.

3) Trong trường hợp giảm thời gian làm việc tiếp xúc với các yếu tố độc hại (bảo vệ NLĐ bằng cách giảm giờ làm) thì có thể được coi là giảm mức độc hại của ĐKLĐ nhưng không thể không có độc hại (tức tối thiểu mức đánh giá độc hại phải là mức 3).

Khi làm việc với yêu cầu cao về chất lượng vệ sinh, người lao động có thể phải dùng phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN). Việc sử dụng PTBVCN hiệu quả có tác dụng làm giảm nguy cơ suy giảm sức khỏe nhưng không làm thay đổi mức ĐKLĐ.Ví dụ kết quả đánh giá được đưa vào Bảng 1.

Bảng 1. Ví dụ đánh giá ĐKLĐ dưới tác động tổng hợp của nhiều yếu tố

Yếu tố độc hại,             nguy hiểm

Mức ĐKLĐ

Mức 1

Mức 2

Mức 3

Mức 4

Mức 5

Mức 6

Mức 7

Hợp vệ sinh

Chấp nhận được

Độc hại nhẹ

Độc hại trung bình

Độc hại nặng

Độc hại rất nặng

Nguy hiểm

Hóa học

 

X

         

Bụi

 

X

         

Tiếng ồn

     

X

     

Hạ âm

   

X

       

Siêu âm

X

           

Rung động chung

 

X

         

Rung cục bộ

     

X

     

Điện từ trường

   

X

       

Bức xạ ion hóa

 

X

         

Cân bằng ion -/+ trong không khí

   

X

       

Vi khí hậu

     

X

     

Ánh sáng

 

X

         

Mức nặng nhọc của quá trình lao động/ Gánh nặng thể lực

 

X

         

Áp lực của quá trình lao động/Gánh nặng tâm thần

 

X

         

Đánh giá chung

 

 

 

 

X

 

 

3.3. Điểm mới của phương pháp VNNIOSH-2017

Điểm mới quan trọng nhất của phương pháp VNNIOSH-2017 là ĐKLĐ được đánh giá, phân loại theo nguyên lý đảm bảo an toàn sinh học, biểu diễn logic như sau:

4. CT 3

Trong đó: các chỉ số HH, VL, SH, CĐLĐ – tương ứng là chỉ số các nhóm yếu tố hóa học; vật lý; sinh học; cường độ lao động.

Ngoài ra, để tính đến sự kích hoạt lẫn nhau tác động đến người lao động, phương pháp mới không chi ly các quy luật tổng cộng tác động hay quy luật hàm mũ mà đưa ra hướng dẫn nâng cấp đánh giá cuối cùng theo số lượng đánh giá đồng mức và thứ tự mức độc hại, nguy hiểm theo nguyên lý an toàn sinh học nêu trên – mức đánh giá cuối cùng sẽ là cao nhất, không lặp.

Phương pháp mới xác định ĐKLĐ theo 2 bước thực hành như sau:

1) Xác định ĐKLĐ theo từng yếu tố độc hại và/hoặc nguy hiểm tạo nên gánh nặng lao động tổng hợp, theo thang đánh giá bán định lượng 7 mức;

2) Lập bảng thống kê kết quả đánh giá riêng lẻ ở bước 1 và thực hiện đánh giá tổng hợp theo hướng dẫn thỏa mãn nguyên lý an toàn sinh học nêu ở tiểu mục 3.2. trên.

4. PHƯƠNG PHÁP CHUNG PHÂN LOẠI ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG, CHẤT LƯỢNG VỆ SINH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ ĐÁNH GIÁ RỦI RO SỨC KHỎE NGHỀ NGHIỆP

Việc thống nhất các thang đánh giá 7 mức này có giá trị thực tiễn lớn [1].

Thứ nhất, bước đầu thống nhất về phương pháp và công cụ đánh giá tổng hợp ĐKLĐ dưới tác động của nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm;

Thứ hai, từ phân loại ĐKLĐ, có thể vừa xác định được CLVS MTLĐ, lại vừa đánh giá được RRSKNN đối với người lao động.

Việc thống nhất thang 7 mức phân loại ĐKLĐ và thang phân loại rủi ro sức khỏe nghề nghiệp với thang phân loại chất lượng vệ sinh MTLĐ được thể hiện trong Bảng 2 dưới đây.

Bảng 2. Thang 7 mức phân loại ĐKLĐ, phân loại CLVS MTLĐ và đánh giá RRSKNN

TT

Phân loại ĐKLĐ

Chỉ số rủi ro bệnh nghề nghiệp

Mức rủi ro sức khỏe nghề nghiệp

Phân loại CLVSMTLĐ

1

Hợp vệ sinh

-

Không có rủi ro

Hợp vệ sinh

2

Chấp nhận được

< 0,05

Rủi ro có thể bỏ qua

Chấp nhận được

3

Độc hại nhẹ

0,05 - 0,11

Rủi ro nhỏ

Độc hại nhẹ

4

Độc hại trung bình

0,12 - 0,24

Rủi ro đáng kể

Độc hại trung bình

5

Độc hại nặng

0,25 - 0,49

Rủi ro cao

Độc hại nặng

6

Độc hại rất nặng

0,5 - 1,0

Rủi ro rất cao

Độc hại rất nặng

7

Nguy hiểm

> 1,0

Rủi ro cực cao đối với sức khỏe và tính mạng NLĐ

Nguy hiểm

Trong Bảng 2, chỉ số rủi ro bệnh nghề nghiệp tính theo công thức sau [6, 7]:

4. CT 4

Trong đó:

IBNN – Chỉ số rủi ro bệnh nghề nghiệp;

KNgC – Cấp nguy cơ bệnh nghề nghiệp (Bảng 3);

KNTr – Cấp nghiêm trọng của bệnh nghề nghiệp (Bảng 4).

Bảng 3. Cấp nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (KNgC ) [6, 7].

Cấp nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, KNgC

Tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp, %

Tỷ lệ phát hiện sớm dấu hiệu mắc bệnh nghề nghiệp, %

1

Hơn 10

Hơn 30

2

Từ 1÷10

Từ 3÷30

3

Dưới 1

Dưới 3

Bảng 4. Cấp nghiêm trọng bệnh nghề nghiệp (KNTr) [6, 7].

Cấp nghiêm trọng bệnh nghề nghiệp, KNTr

Xác định cấp nghiêm trọng trên cơ sở chẩn đoán y tế và loại mất khả năng lao động có thể xảy ra

1

Mất khả năng lao động ngay cả khi không chịu phơi nhiễm tiếp tục và cần phải thay đổi nghề

2

Mất khả năng lao động liên tục hoặc cần đổi nghề

3

Mất khả năng lao động mức trung bình

4

Mất khả năng lao động nặng hoặc phải nằm viện từ 3 tuần trở lên

5

Mất khả năng lao động mức trung bình hoặc nằm viện ít hơn 3 tuần

Như trình bày ở trên, chỉ số rủi ro bệnh nghề nghiệp tính đến tần suất mắc bệnh (%) và mức nghiêm trọng của bệnh nghề nghiệp dưới dạng chỉ tiêu tổng hợp, có giá trị trong khoảng từ 0,06 đến 1,0 (trong trường hợp thang đánh giá chi tiết hơn – ví dụ thang 10 mức – thì giá trị chỉ số sẽ giao động từ 0,01 đến 1,0).

Nếu nơi lao động sản xuất có nhiều yếu tố độc hại tác động thì chỉ số rủi ro bệnh nghề nghiệp cho phép đánh giá riêng từng bệnh cũng như đánh giá chung sự phối hợp có thể có giữa chúng.

Khi đó chỉ số rủi ro bệnh nghề nghiệp chung tính bằng tổng các chỉ số rủi ro từng bệnh nghề nghiệp cộng lại.

4. CT 5

Theo chỉ số rủi ro bệnh nghề nghiệp, ta xác định cấp rủi ro sức khỏe nghề nghiệp và tính cấp bách của các giải pháp giảm thiểu theo Bảng 5 sau.

Bảng 5. Mức RRSKNN và sự cấp bách của các giải pháp giảm thiểu, dự phòng [6, 7].

Chỉ số rủi ro bệnh nghề nghiệp, IBNN

Mức rủi ro sức khỏe nghề nghiệp

Sự cấp bách của các giải pháp giảm thiểu RRSKNN

-

Không có rủi ro

Không cần có giải pháp

< 0,05

Rủi ro có thể bỏ qua

Không cần có giải pháp, nhưng các đối tượng nhạy cảm cần có bảo vệ thêm <*>

0,05 - 0,11

Rủi ro nhỏ

Cần có giải pháp giảm thiểu rủi ro

0,12 - 0,24

Rủi ro đáng kể

Cần có giải pháp giảm thiểu rủi ro trong thời hạn quy định

0,25 - 0,49

Rủi ro cao

Cần có ngay giải pháp giảm thiểu rủi ro

0,5 - 1,0

Rủi ro rất cao

Không được bắt đầu làm việc hoặc chỉ làm việc tiếp tục đến khi giảm thiểu rủi ro

> 1,0

Rủi ro cực cao đối với sức khỏe và tính mạng NLĐ

Công việc chỉ được thực hiện theo điều lệ đặc biệt <**>

<*>: Các đối tượng nhạy cảm là: lao động vị thành niên; phụ nữ có thai; đang nuôi con bú; lao động khuyết tật.

<**> Các điều lệ đặc biệt về công việc, trong đó có theo dõi trạng thái cơ thể người lao động trước hoặc trong quá trình làm việc.

5. KẾT LUẬN

1) Phương pháp phân loại ĐKLĐ mới VNNIOSH-2017 là phương pháp đánh giá, phân loại trực tiếp ĐKLĐ theo gánh nặng lao động tổng hợp của nhiều yếu tố của ĐKLĐ. Phương pháp VNNIOSH-2017 đảm bảo được nguyên lý an toàn sinh học trong đánh giá tác động tổng hợp của nhiều yếu tố của ĐKLĐ lên sức khỏe của người lao động;

2) Phương pháp VNNIOSH-2017 được xây dựng trên cơ sở phương pháp của CHLB Nga ban hành năm 2014, phù hợp với các quy định về vệ sinh lao động trong các QCVN của Bộ Y Tế ban hành các năm 2016, 2019 và các tiêu chuẩn vệ sinh khác đang có hiệu lực. Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đề xuất phương pháp này để đánh giá phân loại ĐKLĐ trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam;

3) Phương pháp chung phân loại ĐKLĐ, CLVS MTLĐ và đánh giá RRSKNN được xây dựng nhằm thống nhất về mặt công cụ vừa phục vụ đánh giá phân loại ĐKLĐ, vừa phục vụ đánh giá phân loại CLVS MTLĐ, lại vừa có thể đánh giá được RRSKNN nơi làm việc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].  Đỗ Trần Hải, Phạm Quốc Quân, (2017), "Phương pháp phân loại chất lượng vệ sinh môi trường lao động và cấp độ rủi ro sức khỏe nghề nghiệp do các yếu tố môi trường lao động gây ra". Tạp chí Bảo hộ lao động N1&2;

[2].  Đỗ Trần Hải, Nguyễn Thắng Lợi, Phạm Quốc Quân, (2017), "Đánh giá, phân loại chất lượng vệ sinh môi trường lao động và rủi ro sức khỏe nghề nghiệp do tác động của các thông số vi khí hậu". Tạp chí Bảo hộ lao động N4.

[3].  "Концепция предельно допустимой концентрации и подходы новой дигмы гигиенических концепций". Сборн. Научных трудов, Выпуск 22, Минск РНМБ, 2012г.

[4].  Министерство Труда и Социальной защиты Российской Федерации, Приказ от 24 января 2014 г. №33н Об "утверждении методики проведения специальной оценки условий труда, классификатора вредных и (или) опасных производственных факторов, формы отчета о проведении специальной оценки условий труда и инструкции по ее заполнению". Москва 2014г.

[5].  "Методика проведения специальной оценки условий труда, приложение №1 к приказу №33н", Минтруда России от 24 января 2014г.

[6].  "Профессиональный риск для здоровья работников" (Руководство) / Под ред. Н.Ф. Измерова и Э.И. Денисова . - М.: Тровант , 2003г., 48 стр.

[7].  "Руководство по оценке профессионального риска для здоровья работников".
Организационно-методические основы, принципы и критерии оценки, Р 2.2.1766-03, Минздрав России, Москва 2004г., 21 стр.

 

TS. Đỗ Trần Hải, TSKH. Phạm Quốc Quân

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

 

Tìm kiếm bài viết

Video

Ảnh hoạt động

IMG_8493 IMG_8515F IMG_8505 IMG_8488 IMG_8498 20150504_102136 20151212_151529 Ly mu cc yu t c hi khu vc may

Thông tin liên hệ

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Địa chỉ: 99 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Điện thoại: (+8424) 22172473; 22172480 - Fax: (8424) 3822 3011

Hotline: 0941042838

Email: [email protected] 

Website: https://Wemos.vn/

Cơ quan quyết định thành lập: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cơ quan quản lý trực tiếp: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

 

Dịch vụ

Thế mạnh đơn vị

Bản đồ

Thông tin được đăng tải có tính chất tham khảo, không có giá trị về mặt pháp lý

  • zalo-circle