logo_tram.jpg

ISO 9001:2015

VIMCERTS 025

 

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

NATIONAL WORKING ENVIRONMENT MONITORING STATION

 

vilas1.png

VILAS 441

Trang chủ»Nghiên cứu khoa học»Thông tin KHCN & Môi trường»Rủi ro an toàn lao động tại một số cơ sở đóng tàu khu vực phía băc

Rủi ro an toàn lao động tại một số cơ sở đóng tàu khu vực phía băc

Sử dụng ma trận đánh giá rủi ro 5x5 và dữ liệu tai nạn lao động (TNLĐ) trong khoảng thời gian 2016 – 2021, bài báo đã xác định mức rủi ro an toàn lao động (ATLĐ) tại 13 vị trí làm việc thuộc 04 cơ sở đóng tàu khu vực phía Bắc. Các mối nguy có mức rủi ro cao được nhận diện bao gồm: ngã cao; ngã/vấp ngã/trượt ngã; thụt hố; bị cắt/kẹp/đập vào bàn tay/ngón tay; dị vật bắn vào mắt; vật rơi vào người; bị đè bởi vật nặng; điện giật; cháy; và tai nạn do phương tiện tại nơi làm việc. Việc sử dụng dữ liệu thống kê TNLĐ giúp quá trình đánh giá khách quan và chính xác hơn, tuy nhiên đòi hỏi doanh nghiệp cần làm tốt công tác thống kê, điều tra và lưu trữ dữ liệu về tai nạn.

 

1. GIỚI THIỆU

Đóng tàu là ngành công nghiệp quan trọng với quốc gia biển Việt Nam, không chỉ cung cấp phương tiện phục vụ vận tải thông thương hàng hóa, khai thác tài nguyên, mà còn góp phần củng cố an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, đây cũng là ngành công nghiệp nặng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Tại Hàn Quốc, chỉ riêng 10 năm từ 2007 tới tháng 9/2017, tai nạn lao động (TNLĐ) ngành này đã khiến 324 người chết và trên 16.000 người bị thương [4]. Tại Mỹ, từ 2011 tới 2021, có trên 50 vụ TNLĐ chết người và trên 60 nghìn vụ TNLĐ không gây tử vong. Tỉ lệ sự cố thương tật do TNLĐ của ngành này luôn cao hơn toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo [3]. Ở Việt Nam, các thông cáo báo chí về TNLĐ nghiêm trọng tại cơ sở đóng tàu xuất hiện hàng năm cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá và kiểm soát rủi ro an toàn lao động (ATLĐ) trong ngành này. Bài báo này áp dụng phương pháp ma trận 5x5 với đầu vào là dữ liệu hồi cứu TNLĐ tại 04 cơ sở đóng tàu khu vực phía Bắc trong khoảng thời gian từ 2016 tới 2021 nhằm xác định mức rủi ro ATLĐ, phục vụ kiểm soát rủi ro và bảo vệ sức khỏe NLĐ ngành đóng tàu biển.

 

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là dữ liệu TNLĐ và rủi ro ATLĐ trong một số công việc tại 04 cơ sở đóng tàu biển khu vực phía Bắc, được ký hiệu từ 1 đến 4:

• CS1: Đóng mới tàu biển trọng tải đến 35.000 tấn;

• CS2: Đóng mới tàu biển vỏ thép trọng tải đến 70.000 tấn; tàu biển vỏ nhôm chiều dày đến 12mm;

• CS3: Đóng mới tàu biển vỏ nhôm, vỏ thép trọng tải đến 16.800 tấn;

• CS4: Đóng mới tàu biển vỏ nhôm, vỏ thép trọng lượng tàu không đến 2.820 tấn.

Ba cơ sở đầu thực hiện tất cả các công đoạn đóng tàu; CS4 chỉ hoàn thiện trên vỏ tàu được gia công tại cơ sở liên kết.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp thu thập dữ liệu:

Phiếu thu thập thông tin dành cho đối tượng là cán bộ phụ trách an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại doanh nghiệp.

2.2.2. Phương pháp xác định rủi ro ATLĐ

Sử dụng phương pháp định tính với các tiêu chí xác định mức nghiêm trọng, khả năng xảy ra TNLĐ được mô tả trong Nguyễn Thắng Lợi và Phạm Quốc Quân (2019) [1]. Ma trận rủi ro và mức độ cấp thiết phải thực hiện các giải pháp kiểm soát như trong Hình 1.

Hình 1. Ma trận xác định mức rủi ro ATLĐ

Hình 1. Ma trận xác định mức rủi ro ATLĐ

  

3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

3.1. Thống kê, phân loại TNLĐ và xác định mức độ nghiêm trọng của tổn hại

Thống kê TNLĐ tại các cơ sở khảo sát trong khoảng thời gian từ năm 2016 tới năm 2021 được thể hiện trong Bảng 1.

Bảng 1. Thống kê TNLĐ tại 04 cơ sở từ 2016 – 2021

Bảng 1. Thống kê TNLĐ tại 04 cơ sở từ 2016  2021

 

Kết quả phân loại TNLĐ tại 04 cơ sở cho thấy hai loại tai nạn thường xuyên xảy ra nhất tại xưởng đóng tàu bao gồm bị cắt/kẹp/đập vào bàn tay/ngón tay, và ngã/trượt ngã/vấp ngã, lần lượt chiếm 22% và 13% tổng số vụ. Va đập được xếp ở vị trí tiếp theo với trên 8% số vụ, xảy ra tại tất cả các cơ sở. Tai nạn do ngã cao chỉ được thống kê tại CS1 và CS2, trong đó 50% số vụ là ngã giàn giáo. Trái lại, không có báo cáo tai nạn do nổ, ngạt khí, đuối nước, sập giàn giáo và làm việc sai tư thế.

Hình 2. Mức độ nghiêm trọng của tổn hại theo phân loại TNLĐ tại các cơ sở

Hình 2. Mức độ nghiêm trọng của tổn hại theo phân loại TNLĐ tại các cơ sở

Thống kê mức độ nghiêm trọng của tai nạn theo phân loại TNLĐ tại các cơ sở được thể hiện trong Hình 2. Dữ liệu này được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức nghiêm trọng của tổn hại đối với các tai nạn được xác định có khả năng xảy ra.

3.2. Kết quả đánh giá rủi ro ATLĐ

Đánh giá mức rủi ro ATLĐ của 13 công việc bao gồm: 1) Vận hành dây chuyền sơ chế tôn; 2) Vận hành máy cắt CNC; 3) Vận hành các máy: máy uốn thép, máy lốc tôn, máy thụi tôn, máy ép sấn tôn; 4) Hàn, mài; 5) Cắt hơi; 6) Hỏa công (gò nóng tôn); 7) Lắp ống, lắp thiết bị; 8) Phun bi làm sạch bề mặt; 9) Sơn; 10) Vận hành cẩu, xe nâng, xe nâng người; 11) Vận hành máy cắt, tiện, cưa, bào; 12) Lắp điện tàu; và 13) Tháp lắp giàn giáo tại 04 cơ sở, kết quả cho thấy CS2 có mức rủi ro cao ở tất cả các loại công việc được đánh giá, trong khi CS1 có 8/10 công việc và CS3 có 6/12 công việc được đánh giá ở mức rủi ro cao. CS4 chỉ có một công việc được đánh giá ở mức rủi ro cao là vận hành máy cắt, tiện, cưa, bào phục vụ lắp nội thất tàu (công việc mộc) với mối nguy tương ứng là va đập với thiết bị chuyển động.

Các mối nguy ở mức rủi ro cao trong hoạt động đóng mới tàu biển bao gồm:

Ngã cao: NLĐ làm việc trên cao như giàn giáo, sàn lắp ráp, xe nâng người,… là các đối tượng chính chịu rủi ro từ mối nguy này. Trong số các vụ ngã cao tại CS1 và CS2, có 06 vụ là ngã giàn giáo và 01 vụ trượt chân thang.

Ngã/vấp ngã/trượt ngã: Mối nguy vấp ngã phát sinh do bề mặt làm việc gồ ghề nhiều vật cản, trong khi mối nguy trượt ngã có thể do khu vực đặt chân có cát, bi trơn trượt hoặc dính dầu mỡ. CS2 báo cáo nhiều trường hợp NLĐ bị vấp trong quá trình di chuyển dẫn tới hậu quả từ chấn thương tới gãy xương, trong khi tại CS3 có một số ca NLĐ bị trượt chân khi di chuyển trên bệ khuôn gây chấn thương nặng.

Thụt hố: Đây là mối nguy khi NLĐ đi lại, làm việc trên tàu, khi các lỗ, miệng hầm không được rào, chắn, cảnh báo. Báo cáo tai nạn cho thấy CS1 xảy ra 03 vụ NLĐ bị thụt hố trong 3 năm liên tiếp và đều gây ra chấn thương nặng.

Bị cắt/kẹp/đập vào bàn tay/ngón tay: Các mối nguy về cắt, kẹp, đập xảy ra đối với bàn tay, ngón tay có thể xảy ra trong rất nhiều trường hợp, từ móc cẩu, đưa nguyên liệu vào máy, vận chuyển trang thiết bị, nguyên liệu, tới làm dây, lắp thiết bị…Tại CS1, khoảng 50% số vụ tai nạn liên quan tới bàn tay, ngón tay dẫn tới gãy, dập xương, trong khi tỉ lệ này ở CS2 lên tới trên 70%.

Dị vật bắn vào mắt: Mối nguy này chủ yếu xảy ra đối với các công việc cắt, mài, hàn, phun sơn, phun bi/hạt mài và thường dẫn tới hậu quả như bị bỏng, rách giác mạc, kết mạc. Phần lớn các tai nạn dị vật bắn vào mắt tại CS2 là do NLĐ không sử dụng kính bảo hộ trong quá trình làm việc. Đối với những trường hợp khác, việc điều tra nguyên nhân tai nạn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng giải pháp kiểm soát.

Vật rơi vào người: Đây là mối nguy có mức rủi ro cao khi NLĐ làm việc với thiết bị nâng hạ và tháo lắp giàn giáo. Điển hình là một ca TNLĐ tại CS3 trong đó NLĐ bị thanh giằng rơi vào gáy dẫn tới tử vong khi đang cẩu sắt. CS2 cũng xảy ra trường hợp NLĐ bị sàn giáo và ống rơi vào đầu trong lúc chỉnh giàn giáo dẫn tới chấn thương vùng đầu. Những TNLĐ nặng khác là do máy hàn, máy mài, thanh vật liệu, chai khí rơi vào chân gây gãy xương bàn chân, ngón chân.

Bị đè bởi vật nặng: Những trường hợp tai nạn thực tế xảy ra tại các cơ sở bao gồm bị ống, tấm tôn, kiện hàng, khung giáo, tấm cửa… lăn hoặc đổ đè vào người trong quá trình thao tác, vận chuyển. Cả CS1, CS2 và CS3 đều có những tai nạn loại này trong 5 năm gần đây và hậu quả đều phải nghỉ việc điều trị y tế, trong đó có 01 ca tại CS1 gây tử vong 01 người.

Điện giật: Mối nguy này phát sinh chủ yếu trong quá trình NLĐ làm việc với máy hàn, máy mài và một số thiết bị sử dụng điện khác. Do các thiết bị điện trong ngành đóng tàu đều được trang bị cơ cấu ngắt điện an toàn và định kỳ kiểm định nên nguy cơ xảy ra tai nạn điện giật thường chỉ ở mức trung bình tới thấp. Tuy nhiên, tại CS2 đã từng xảy ra một ca tai nạn điện giật do NLĐ vận hành máy mài không tuân thủ quy trình an toàn, do đó rủi ro điện giật đối với công việc hàn, mài ở CS2 được đánh giá ở mức cao.

Cháy: Đây là mối nguy đặc thù của các công việc phát sinh nhiệt (hàn, mài, cắt) khi làm việc gần vật liệu dễ bắt cháy và công việc sử dụng khí gas, oxy như cắt hơi, hỏa công. Tại CS2 xảy ra khá nhiều vụ tai nạn cháy dây oxy của mỏ cắt hơi và mỏ hỏa công nên rủi ro về cháy đối với công việc này đều được đánh giá ở mức cao.

Tai nạn do phương tiện tại nơi làm việc: Mối nguy này có thể xảy ra khi NLĐ ở bên trong hành lang an toàn khi phương tiện hoạt động, hoặc do phương tiện bị quá tải dẫn tới sập cẩu, đổ xe nâng… Một trường hợp đổ xe cẩu 50 tấn xảy ra tại CS2 năm 2017 đã khiến 01 NLĐ bị thương nặng. Đồng thời, CS2 cũng có nhiều trường hợp NLĐ bị thương do di chuyển bằng xe đạp, xe máy qua ray cẩu.

 

4. KẾT LUẬN

Kết quả đánh giá rủi ro ATLĐ tại 13 vị trí làm việc tại 04 cơ sở đóng tàu khu vực phía bắc đã cho thấy các mối nguy có mức rủi ro cao trong ngành đóng tàu bao gồm: ngã cao; ngã/vấp ngã/trượt ngã; thụt hố; bị cắt/kẹp/đập vào bàn tay/ngón tay; dị vật bắn vào mắt; vật rơi vào người; bị đè bởi vật nặng; điện giật; cháy; và tai nạn do phương tiện tại nơi làm việc. Đặc thù sản xuất và kích thước sản phẩm có ảnh hưởng không nhỏ tớ mức rủi ro ATLĐ nói chung của cơ sở, trong đó những xưởng đóng tàu có nhiều hoạt động gia công vỏ và kích thước tàu lớn có mức rủi ro cao hơn, khi xét ở cùng mức độ thực hiện quản lý ATLĐ. Việc sử dụng dữ liệu thống kê TNLĐ đem đến kết quả đánh giá rủi ro khách quan và chính xác hơn chỉ đánh giá định lượng bằng phương pháp chuyên gia, đồng thời bộc lộ những khía cạnh cần cải thiện trong công tác an toàn tại từng cơ sở phục vụ xây dựng giải pháp kiểm soát. Đồng thời, các mối nguy nhận diện được tại cơ sở cùng ngành, cùng công nghệ cung cấp cảnh báo cho doanh nghiệp trong việc theo dõi và phòng ngừa trước rủi ro. Tuy nhiên, để thực hiện đánh giá rủi ro căn cứ trên dữ liệu TNLĐ đòi hỏi doanh nghiệp cần làm tốt công tác thống kê, điều tra và lưu trữ dữ liệu về tai nạn, bao gồm cả những tai nạn nhẹ không cần can thiệp y tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Thắng Lợi và Phạm Quốc Quân (2019). “Phương pháp đánh giá rủi ro an toàn và vệ sinh lao động áp dụng trong các cơ sở khai thác và chế biến đá”. Tạp chí Hoạt động KHCN An toàn – Sức khỏe & Môi trường lao động, Số 4,5&6-2019 (T8-18).

2.      Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, Vệ sinh lao động.

3.      U.S. Bureau of Labor Statistics, https://www.bls.gov/iif/nonfatal-injuries-and-illnesses-tables/soii-summary-historical.htm

4.      조선업중대산업재해국민참여조사위원회. (2018). 조선업중대산업재해. 사고조사보고서. (Báo cáo điều tra tai nạn của Ủy ban điều tra quốc gia về tai nạn công nghiệp nghiêm trọng trong ngành đóng tàu).

  

ThS. Nguyễn Hoàng Phương

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

(nguồn: Tạp chí An toàn, vệ sinh lao động số 335 (tháng 6/2023), trang 32-36)


 

Tìm kiếm bài viết

Video

Ảnh hoạt động

IMG_8493 IMG_8515F IMG_8505 IMG_8488 IMG_8498 20150504_102136 20151212_151529 Ly mu cc yu t c hi khu vc may

Thông tin liên hệ

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Địa chỉ: 99 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Điện thoại: (+8424) 22172473; 22172480 - Fax: (8424) 3822 3011

Hotline: 0941042838

Email: [email protected] 

Website: https://Wemos.vn/

Cơ quan quyết định thành lập: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cơ quan quản lý trực tiếp: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

 

Dịch vụ

Thế mạnh đơn vị

Bản đồ

Thông tin được đăng tải có tính chất tham khảo, không có giá trị về mặt pháp lý

  • zalo-circle