logo_tram.jpg

ISO 9001:2015

VIMCERTS 025

 

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

NATIONAL WORKING ENVIRONMENT MONITORING STATION

 

vilas1.png

VILAS 441

Trang chủ»Nghiên cứu khoa học»Thông tin KHCN & Môi trường»Tổng quan một số phương pháp mới trong phân loại điều kiện lao động

Tổng quan một số phương pháp mới trong phân loại điều kiện lao động

Điều kiện lao động  (ĐKLĐ) tại các cơ sở sản xuất luôn là vấn đề được quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học và người lao động. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, điều kiện lao động  (các yếu tố môi trường, gánh nặng lao động, độ nặng nhọc…) có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, an toàn cho người lao động. Do vậy xây dựng phương pháp để đánh giá, phân loại điều kiện lao động là cần thiết và để phù hợp với thực tế hơn. Phân loại được điều kiện lao động còn giúp cho các nhà quản lý có cơ sở để xây dựng các chính sách phù hợp, có ý nghĩa, đảm bảo với quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong bài báo này, trình bày tổng quan các phương pháp hiện đang nghiên cứu, được phát triển ứng dụng trong và ngoài nước để phân loại điều kiện lao động: Phương pháp chuyên gia kết hợp lý thuyết nhóm, phương pháp PROMETHE/GAIGA, phương pháp của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phương pháp VNNIOSH-2017. Phương pháp VNNIOSH-2017 được áp dụng để phân loại ĐKLĐ tại một số vị trí công việc của cơ sở May ở miền Trung đã thể hiện nhiều ưu điểm như dễ triển khai, tường minh, kết quả thu được là tổng hợp của nhiều yếu tố.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu, quản lý đã nghiên cứu, phát triển nhiều phương pháp, nhiều biện pháp để cải thiện điều kiện lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau. Kiểm tra, đánh giá ĐKLĐ đã trở thành mối quan tâm của cả người lao động và người sử dụng lao động. Việt Nam không nằm ngoài sự phát triển và mối quan tâm đó: nhiều văn bản pháp quy như Luật An toàn vệ sinh lao động, nghị định, thông tư, tiêu chuẩn… được  ban hành để quản lý tốt hơn sức khỏe người lao động và đảm bảo một môi trường lao động an toàn.

Tuy nền kinh tế của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, thời kỳ công nghiệp 4.0 nhưng nhiều vị trí công việc vẫn còn ở tình trạng bất lợi cho sức khỏe người công nhân. Người lao động phải chịu các ảnh hưởng của nhiệt độ, hoá chất, tiếng ồn, rung... Nhiều cơ sở vẫn còn áp dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu nên khó kiểm soát được ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, an toàn cho người lao động. Việc xác định, đánh giá các điều kiện lao động một cách tổng hợp vẫn đang còn nhiều khó khăn. Nghiên cứu các tài liệu khoa học cho thấy, vẫn còn thiếu các hệ thống đánh giá và phân loại toàn diện để đánh giá tổng thể các yếu tố tác động (yếu tố vật lý và phi vật lý) đến người lao động tại nơi làm việc. Do vậy, việc phân loại, xếp hạng lao động vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống đánh giá, phân loại phù hợp nhất.

Admam Gorny cho rằng các yếu tố xã hội, tâm lý, thể chất và các yếu tố khác có tác động đến năng lực làm việc của người lao động. Các yếu tố môi trường làm việc (nhiệt độ, ánh sáng, tiếng ồn, hóa chất, bụi, điện từ) đến khả năng thực hiện các quy trình làm việc [1]. Tác giả cũng chỉ dừng lại ở mức đánh giá, chỉ ra các ảnh hưởng của điều kiện làm việc đến năng suất, chưa đánh giá, phân loại điều kiện làm việc để có biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Najaf Shah [2] nghiên cứu đánh giá điều kiện làm việc, tình trạng sức khỏe và an toàn trong các ngành công nghiệp dệt và hóa chất của Faisalabad, Pakistan. Kết quả cho thấy nguy cơ cao có thể xảy ra đối với người lao động. Nhìn chung, nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn và mức ánh sáng không đạt tiêu chuẩn Chất lượng Môi trường Quốc gia ở nhiều nơi trong mỗi ngành. Người lao động không hiểu rõ cách thức bảo vệ sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc. Do vậy, cần có sự huấn luyện và nhận thức về các vấn đề sức khỏe và an toàn.

Tháng 1 năm 2014, Bộ Lao động và An sinh xã hội CHLB Nga [3] đã có văn bản ban hành và hướng dẫn một phương pháp để đánh giá ĐKLĐ theo các bước: Xác định các yếu tố có hại tiềm ẩn và các yếu tố sản xuất nguy hiểm; Kiểm tra và đo đạc các yếu tố có hại và các yếu tố sản xuất nguy hiểm; Phân loại ĐKLĐ tại khu vực làm việc dựa trên mức độ có hại và nguy hiểm theo các phân cấp các ĐKLĐ theo kết quả nghiên cứu và đo đạc các yếu tố có hại và các yếu tố sản xuất nguy hiểm; ĐKLĐ được phân thành các mức như sau: Tối ưu: Mức 1; Cho phép: Mức 2; Độc hại: Các mức theo thứ tự tăng dần: 3.1; 3.2; 3,3; 3.4; Nguy hiểm: Mức 4.

Badamshina GG và cộng sự (2015), có báo cáo kết quả đánh giá vệ sinh điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp hóa dầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ thể của người lao động luôn tiếp xúc với các yếu tố nghề nghiệp nguy hiểm bao gồm một yếu tố hóa học, tiếng ồn, mức độ nghiêm trọng và cường độ của quá trình làm việc. Đánh giá tổng thể về điều kiện làm việc công nhân ngành hóa dầu tương ứng với loại 3.3 [4].

Tóm lại, nhiều tài liệu nghiên cứu ngoài nước liên quan đến đánh giá ĐKLĐ, tác động của các yếu tố bất lợi trong ĐKLĐ đến sức khỏe, khả năng thực hiện các hoạt động nghề nghiệp, năng suất đã được triển khai, nghiên cứu. Tuy vậy, việc tiến hành phân loại và xếp hạng ĐKLĐ vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt trong cách tiếp cận, phương pháp thực hiện, các quy định pháp luật của các quốc gia và mục đích mà nó mang lại. Do đó, thật sự cần thiết phát triển một hệ thống phân loại có thể mô tả đặc tính các tác động tổng hợp của các yếu tố công việc đến người lao động áp dụng trong điều kiện nước ta hiện  nay.

Bài báo này trình bày tổng quan một số phương pháp đánh giá và phân loại điều kiện lao động hiện đang sử dụng trong và ngoài nước hiện nay. Các ưu nhược điểm của phương pháp cũng được trình bày, phân tích. Với nỗ lực xây dựng cho Việt Nam một phương pháp đánh giá ĐKLĐ, Phương pháp VNNIOSH-2017 được Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động xây dựng và phát triển. Một số kết quả bước đầu khi áp dụng phương pháp VNNIOSH-2017 để đánh giá phân loại ĐKLĐ cho một số công đoạn tại cơ sở May được trình bày ở đây.

2. CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÂN LOẠI ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG

2.1 Phương pháp chuyên gia kết hợp với thuật toán phân nhóm

Rafal MIERZWIAK và cộng sự đã xây dựng và phát triển dựa trên việc sử dụng phương pháp chuyên gia và áp dụng thuật toán phân nhóm (expert and clustering method) để đánh giá ĐKLĐ. Phương pháp được xây dựng dựa trên cách tiếp cận xem xét toàn diện các yếu tố liên quan đến lao động như người lao động là ai, mục tiêu, công cụ làm việc, nguyên nhiên liệu sử dụng cho công việc, phương pháp làm việc và điều kiện môi trường lao động. Sơ đồ nguyên tắc của phương pháp được thể hiện ở Hình 1.

LMD h1

Hình 1: Các bước triển khai của phương pháp

Bước 1: xây dựng nhóm chuyên gia về đánh giá ĐKLĐ ở cơ sở. Xác định ai là người có trách nhiệm tham gia trong đánh giá, người hiểu biết về công nghệ, người đại diện cho các đơn vị, phụ trách sản xuất cũng như các chuyên gia liên quan đến an toàn và vệ sinh lao động được luật pháp quy định. Nếu cần, các chuyên gia được mời từ bên ngoài tham gia vào (ví dụ chuyên gia về hoá chất, điện, cơ khí…). Nhóm chuyên gia sẽ xác định phạm vi áp dụng của phương pháp nhằm phù hợp với điều kiện tài chính, luật pháp, điều kiện kỹ thuật tại doanh nghiệp. Số lượng các vị trí sản xuất, thành phần của môi trường lao động… sẽ xác định mức độ phức tạp của phương pháp.

Bước 2: Chất lượng ĐKLĐ được cấu thành từ các yếu tố: đối tượng lao động; mục tiêu làm việc; công cụ lao động; dạng nguyên vật liệu; phương pháp làm việc; môi trường lao động . . . Do thực tế khác nhau giữa các doanh nghiệp nên khó có thể có được danh sách chung đặc trưng cho tất cả các ĐKLĐ. Do vậy, nhóm chuyên gia đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét điều kiện, giới hạn chất lượng ĐKLĐ cho một doanh nghiệp cụ thể.

Bước 3: Các tiêu chí chung nhất là thiết kế, tiêu chí hoạt động của doanh nghiệp. Tiêu chí thiết kế bao gồm an toàn lao động; mức độ các mối nguy; mức độ nỗ lực, cố gắng của người lao động. Tiêu chí hoạt động liên quan đến năng suất và hiệu quả lao động. Tuỳ thuộc điều kiện của từng doanh nghiệp, các tiêu chí ưu tiên đánh giá cũng sẽ khác nhau.  

Bước 4: Phân loại ĐKLĐ theo các bước sau

a). Gọi các tiêu chí phân loại là  j= 1,2,….,m, giả sử xem xét 5 tiêu chí sau

j=1: năng suất công việc; j=2: Hiệu quả công việc; j=3: an toàn lao động; j=4: các mối nguy lao động; j=5: mức độ chán nản khi làm việc

Mỗi tiêu chí này, có độ ưu tiên là nj

b). Các chuyên gia sẽ đánh đặc tính thứ i nào đó liên quan, ảnh hưởng đến tiêu chí thứ j thể hiện qua giá trị xij, thang điểm từ 0 đến 10, điểm 0 sẽ là ảnh hưởng rất xấu đến tiêu chí thứ j, 10 điểm là ảnh hưởng rất tốt đến tiêu chí thứ j. Giá trị đánh giá được xem xét và chia đều cho các chuyên gia đánh giá theo công thức (1):

                          LMD ct1

c). Thành lập các nhóm các đặc tính k=1,2,… s, các nhóm đặc tính thiết lập sự ưu tiên

- Nhóm có các đặc tính không được chấp nhận (k=1)

- Nhóm có các trạng thái đặc tính có thể được chấp nhận dưới điều kiện nào đó (k=2)

- Nhóm các các đặc tính được chấp nhận trong sự hạn chế nhất định (k=3)

- Nhóm có các đặc tính hoàn toàn được chấp nhận (k=4).

LMD ct2

Dựa vào hệ số này, sẽ phân chia ra các nhóm ứng với các tiêu chí

Bước 5: Phân loại ĐKLĐ

Phân loại các đặc tính ĐKLĐ được thể hiện như sau

- Mức 4: các đặc tính không được thỏa mãn: có thể có ảnh hưởng xấu đến an toàn lao động, nguy hại với người lao động, hành động khắc phục phải ngay lập tức

- Mức 3: các đặc tính được thỏa mãn trong điều kiện cụ thể nào đó;

- Mức 2: các đặc tính được thỏa mãn với một hạn chế cụ thể nào đó;

- Mức 1: các đặc tính hoàn toàn được thỏa mãn – ĐKLĐ tốt nhất

Phương pháp phân loại ĐKLĐ của Rafal MIERZWIAK được xem xét với nhiều tiêu chí để đánh giá nên có thể phản ánh được sự tác động của nhiều yếu tố đến ĐKLĐ. Phương pháp có thể được tin học hóa cao do sử dụng nhiều công thức toán. Tuy vậy, kết quả đánh giá của phương pháp này phụ thuộc nhiều vào ý kiến cá nhân của các chuyên gia nên còn mang tính chủ quan [5]. Hiện chưa có nhiều phần mềm hỗ trợ nên cũng hạn chế việc ứng dụng, triển khai thực tế.

2.2. Phương pháp PROMETHEE/GAIA

PROMETHEE/GAIA là phương pháp ra quyết định dựa trên phân tích đồng thời nhiều tiêu chí được áp dụng để phân loại các vị trí công việc liên quan đến điều kiện lao động.

Phương pháp này có ưu điểm: xây dựng được một cấu trúc số liệu chặt chẽ, có thể xử lý một số lượng lớn số liệu, định lượng được các tham số, tiêu chí. Do hiện nay có nhiều phần mềm hỗ trợ cho phương pháp như Decision Lab 2000; Visual Decision Inc., Canada nên sử dụng khá thân thiện, hiển thị kết quả tường minh trên đồ thị bằng công cụ GAIGA. Phương pháp được triển khai theo các bước như sau:

- Trước tiên cần xác định các biến và tiêu chí. Mỗi tiêu chí sẽ được gán một trọng số. Hệ số trọng số xác định mức ảnh hưởng (impact power) của tiêu chí đến quá trình ra quyết định phân loại độ nặng nhọc của công việc (phân loại ĐKLĐ). PROMETHEE/GAIA cần xác định các hàm ưu tiên chính xác để đưa ra cách thức xếp hạng các biến trong mối liên với nhau. Sự khác biệt giữa các biến khi so sánh sẽ qui đổi về một tham số thể hiện sự ưu tiên khi phân hạng ĐKLĐ (0: không ưu tiên, 1: ưu tiên). PROMETHEE/GAIA hiện sử dụng 6 loại hàm ưu tiên (thông thường, dạng chữ U, dạng chữ V, cấp độ, tuyến tính và Gausian). Trong đó, mỗi hàm phụ thuộc vào giá trị ngưỡng bỏ qua Q; và ngưỡng ưu tiên P. Q là sự khác biệt lớn nhất không liên quan đến việc phân loại (ra quyết định), P  là sự khác biệt nhỏ nhất quan trọng khi ra quyết định phân loại.

- PROMETHEE/GAIA phân hạng dựa vào giá trị F+ và F- tương ứng với mỗi biến, phụ thuộc vào trọng số cho mỗi tiêu chí. F+ có giá trị càng lớn, tiêu chí đó càng quan trọng; F- có giá trị càng nhỏ, tiêu chí đó càng quan trọng. Phân loại sau cùng dựa vào giá trị F tổng cộng. F tổng cộng lớn nhất sẽ được xếp thứ hạng cao nhất. Tính toán các giá trị F+, F-, F tổng cộng đã được phần mềm hỗ trợ nên khá thuận lợi. Các gía trị F thể hiện ở Bảng 1 xuất ra từ phần mềm.

Bảng 1: Kết quả tính các giá trị F từ phần mềm PROMETHE II với 12 vị trí công việc

TT

Vị trí công việc

F+

F

F tổng cộng
 1

Xưởng sửa chữa xe hạng nhẹ

0,1991

0,3591

-0,1600

2

Xưởng cơ khí

0,2227

0,3236

-0,1009

3

Xường máy phụ trợ

0,2045

0,3482

-0,1436

4

Xưởng sửa chữa xe hạng nặng

0,2454

0,3864

-0,1318

5

Nghiền thô

0,4227

0,2000

0,2227

6

Vận hành băng tải vận chuyển

0,3409

0,2500

0,0909

7

Khoan hầm lò

0,1982

0,2909

-0,0927

8

Điều khiển máy xúc, đào đất

0,4164

0,1591

0,2573

9

Lái xe tải hạng nặng

0,3655

0,1409

0,2245

10

Lái xe ủi, san lấp

0,3318

0,2027

0,1291

11

Bốc vác

0,2164

0,2409

-0,0245

12

Người điều hành chung

0,1227

0,3936

-0,2709

Dejan Bogdanović và cộng sự [6] đã nghiên cứu xếp hạng các vị trí công việc theo điều kiện lao động bằng hỗ trợ của phần mềm PROMETHEE/GAIA. Nghiên cứu thực hiện tại 12 vị trí của nhà máy khai thác và tinh luyện đồng. Các yếu tố môi trường được đưa vào nghiên cứu là nhiệt độ, ánh sáng, tiếng ồn, bụi, hoá chất độc hại và rung động. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tại vị trí công việc vận hành máy khai thác là nặng nhọc nhất. Phần mềm cũng đã được sử dụng để tối ưu các thông số môi trường đảm bảo và nâng cao điều kiện làm việc tốt nhất. Kết quả chỉ ra vị trí công việc ở công đoạn đào đất là công việc nặng nhọc nhất. Công việc nặng nhọc, khó khăn kế tiếp là lái xe tải nặng, nghiền thô, băng tải vận chuyển, xưởng sửa chữa xe công trình hạng nặng, xưởng cơ khí. Bằng phương pháp PROMETHEE/GAIA, V. Stefanovic [7] đã đánh giá, xếp loại nặng nhọc cho 16 vị trí của các công nghệ sản xuất khác nhau có công nhân là nữ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra vị trí may là vị trí có nặng nhọc cao nhất, vị trí thấp nhất là ở bộ phận công nhân làm việc trong dây chuyển sản xuất oto. 

Phương pháp PROMETHEE/GAIA đã được áp dụng một cách hiệu quả trong phân loại ĐKLĐ. Phần mềm tin học hiện nay đã có dạng mã nguồn mở nên việc áp dụng khá dễ dàng, nhanh chóng. Tuy vậy vẫn còn một số hạn chế nên việc sử dụng chưa được áp dụng phổ cập như:

- Việc gán các trọng số cho các tiêu chí rất khó chính xác do phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, trình độ của nhóm chuyên gia đánh giá, mang tính chủ quan của người đánh giá. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi số lượng tiêu chí tăng lên.

- Việc lựa chọn hàm toán học để tính toán giá trị F cũng phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, cần có các nghiên cứu trước. Khó khăn lớn nhất là đưa ra chính xác các giá trị ngưỡng P (ngưỡng nhỏ nhất có tính quyết định khi phân loại), Q (giá trị lớn nhất không ảnh hưởng đến mức phân loại) để tính toán và xếp loại ĐKLĐ.

2.3. Phương pháp Đánh giá ĐKLĐ của Bộ lao động Thương binh và Xã hội

Từ năm 1995 đến 15/4/2022 (trước khi có thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH), ở nước ta, đánh giá ĐKLĐ vẫn dựa trên Công văn 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 01 tháng 8 năm 1995 của Bộ lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Phương pháp đánh giá tổng hợp dựa trên chỉ tiêu gồm hai nhóm chính: Nhóm các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường lao động. Nhóm các chỉ tiêu về tâm sinh lý lao động.

Để xác định mức nặng nhọc, độc hại phải so sánh kết quả đo với các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn tương ứng. Điểm tổng hợp được xác định bằng công thức 

LMD ct8

Với Y là điểm tổng hợp các yếu tố;  là điểm trung bình của các yếu tố. Căn cứ số điểm tổng hợp đã tính toán ở trên, việc phân loại điều kiện được quy định theo Bảng 2

Bảng 2. Phân loại điều kiện lao động sau khi tính toán điểm tổng hợp

Loại ĐKLĐ

I

II

III

IV

V

VI

Điểm (Y)

Y ≤ 18

18<Y≤ 34

34<Y≤ 46

46<Y≤ 55

55<Y≤ 59

Y>59

Loại I: Nhẹ nhàng, thoải mái; Loại II: Không căng thẳng, không độc hại, song so với loại I phải cố gắng hơn; Loại III: Có thể có các chỉ tiêu nặng nhọc, độc hại, nhưng ở trong khoảng tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Các biến đổi tâm sinh lý sau lao động phục hồi nhanh, sức khoẻ không bị ảnh hưởng đáng kể; Loại IV: Các chỉ tiêu vệ sinh môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép; khả năng làm việc bị hạn chế nhất định, cơ thể khoẻ có thể thích nghi nhờ cơ chế điều hoà của hệ thống thần kinh nhưng làm việc nhiều năm trong môi trường này sức khoẻ có thể bị giảm sút; Loại V: Các chỉ tiêu độc hại vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép nhiều lần; cường độ vận động cơ bắp lớn; độ căng thẳng chú ý và mệt mỏi thần kinh cao. Lao động liên tục kéo dài dẫn đến bệnh lý xấu. Là loại lao động đòi hỏi người lao động có sức khoẻ tốt; Loại VI: Các chỉ tiêu ở mức giới hạn chịu đựng tối đa của cơ thể. Là loại lao động rất nặng nhọc, độc hại, rất căng thẳng thần kinh - tâm lý.

Tuy đã áp dụng từ lâu nhưng vẫn có những hạn chế:

- Chưa chính xác về ý nghĩa khi X=0, tức không có tác động nào thì gánh nặng lao động vẫn khác không (y=2).

- Các tiêu chí đánh giá có bản chất khác nhau nhưng được lấy giá trị trung bình.

- Khó có thể áp dụng với các ngành nghề đặc thù.

- Chưa thể hiện tác động qua lại của các yếu tố khi chúng có thể khuếch đại lẫn nhau, nhất là khi có mặt đồng thời các hóa chất độc hại, nguy hiểm.

2.4. Phương pháp VNNIOSH-2017

Năm 2014 trong chương trình nghiên cứu phối hợp giữa Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam và Bộ Khoa học công nghệ trong chương trình CTPH/2014/01/TLĐ-BKHCN do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động chủ trì thực hiện, đã nghiên cứu đề xuất một phương pháp đánh giá mới, phù hợp với thực tế Việt Nam (gọi tắt là phương pháp VNNIOSH-2017). Phương pháp này được xây dựng trên cơ sở phương pháp của CHLB Nga và các tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh hiện hành ở nước ta [7, 8]. Các mức ĐKLĐ cũng tương ứng với các mức rủi ro về an toàn lao động. Phương pháp đánh giá, phân loại chất lượng môi trường lao động thống nhất với ĐKLĐ. Chất lượng vệ sinh môi trường lao động được đánh gía theo 7 mức (1. Chất lượng tốt; 2. chất lượng chấp nhận được; 3. Độc hại nhẹ; 4. Độc hại trung bình; 5. Độc hại nặng; 6. Độc hại rất nặng; 7. Nguy hiểm). 7 mức này được thống nhất tương đương với ĐKLĐ

Nguyên tắc của phương pháp: phân loại ĐKLĐ được xem xét một cách tổng hợp các yếu tố có ảnh hưởng đến ĐKLĐ như vi khí hậu, các yếu tố vật lý, hóa học, gánh nặng lao động, cường độ lao động... Các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam về môi trường, vệ sinh lao động được thiết lập để đưa ra các mức tương ứng với ĐKLĐ. Phân loại ĐKLĐ tổng hợp các yếu tố liên quan với nguyên tắc:

+ Nếu chỉ có 1 yếu tố nào đó vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì được phân loại mức 3 đến 7, tùy vào mức vượt và tổ hợp các mức vượt

+ Nếu có tác động 3 yếu tố trở lên với mức chất lượng 3 thì đánh giá chung sẽ là mức 4; Nếu có 2 yếu tố trở lên phối hợp với mức 4, 5, 6 thì mức sau cùng sẽ nhận một mức cao hơn. Chi tiết của Phương pháp được trình bày trong tài liệu tham khảo [8, 9].

Áp dụng phương pháp này, nhóm tác giả đã khảo sát, đánh giá và phân loại ĐKLĐ một cách tổng hợp tất cả các yếu tố tại một số vị trí công việc của nhà máy may Phong phú ở miền Trung, kết quả thể hiện ở Bảng 3

 Bảng 3: Phân loại ĐKLĐ của một số công đoạn trong cơ sở May

TT

Vị trí công việc

Loại công việc

Theo vi khí hậu

Theo các yếu tố vật lý

Theo yêu tố hóa chất

Theo mức độ nặng nhọc

Theo cường độ lao động

Phân loại ĐKLĐ chung

1

Trải vải

trung bình

3

2

1

3

3

3

2

Cắt vải

-

3

2

1

3

3

3

3

May

-

3

2

1

3

3

3

4

Là hơi

-

4

2

1

3

3

4

5

Kiểm đếm

-

3

2

1

2

3

3

6

Sửa máy

-

3

2

1

2

2

3

7

Vận chuyển

-

3

2

1

2

2

3

8

Vệ sinh công nghiệp

nặng

3

2

1

3

2

3

1. Chất lượng tốt; 2. chất lượng chấp nhận được; 3. Độc hại nhẹ; 4. Độc hại trung bình; 5. Độc hại nặng; 6. Độc hại rất nặng; 7. Nguy hiểm; Vi khí hậu gồm nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tốc độ gió; Yếu tố vật lý gồm tiếng ồn, bụi bông, bụi hô hấp; Yếu tố hóa học gồm SO2, NO2, CO, CO2, hơi Clo, formandehyde

Từ kết quả đánh giá phân loại ĐKLĐ, ta có thể có được bức tranh tổng quát về ĐKLĐ của các vị trí công việc của một cơ sở may. Tất cả các vị trí có mức ĐKLĐ độc hại nhẹ (mức 3), công việc là hơi có mức ĐKLĐ ở mức 4 (độc hại nhẹ) - người công nhân luôn ở tư thế đứng, yếu tố môi trường nhất là nhiệt độ và độ ẩm có sự khác biệt với vị trí khác.

Phương pháp VNNIOSH-2017 đã cho thấy một số ưu điểm: đã áp dụng được các tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam để so sánh, phân loại. Phương pháp đã sử dụng tổng hợp các thông số về môi trường lao động và gánh nặng lao động để xác định, phân loại điều kiện lao động. Cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu nào đề xuất phương pháp đánh giá ĐKLĐ nào ngoài VNNIOSH-2017, đây cũng là tiền đề quan trọng để phương pháp phát triển, hoàn thiện hơn trong thời gian đến. Việc so sánh, phân loại với nhiều nhà máy Dệt May sẽ được trình bày trong các bài báo sắp tới.

3. KẾT LUẬN

Với sự phát triển cao của nhận thức về an toàn và vệ sinh lao động, người lao động đã có ý thức cao hơn trong lao động để tự bảo vệ mình. Tuy vậy, đứng về chức năng quản lý cũng cần có một công cụ hiệu quả để đánh giá, phân loại được mức độ nặng nhọc, nguy hiểm của các vị trí công việc cho người lao động. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Phương pháp VNNIOSH-2017 tỏ ra có nhiều ưu điểm do đã đánh giá tổng hợp được các yếu tố ảnh hưởng đến ĐKLĐ và sử dụng được các tiêu chuẩn mới của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Adam Górny, The use of  working environment factors as criteria  in  assessing the capacity  to carry out processes, Poznan University of Technology, Faculty of Management Engineering, 11 Strzelecka St., 60-965 Poznan, Poland .

[2]. Najaf Shah (2015), Assessment of the Workplace Conditions and Health and Safety Situation in Chemical and Textile Industries of Pakistan.

[3]. Министерство Труда и Социальной защиты Российской Федерации, Приказ от 24 января 2014 г. № 33н Об утверждении методики проведения специальной оценки условий труда, классификатора вредных и (или) опасных производственных факторов, формы отчета о проведении специальной оценки условий труда и инструкции по ее заполнению. Москва 2014г (Bản dịch tiếng Việt).

[4]. Badamshina GG và cộng sự (2015), Hygienic assessment of working conditions in modern petrochemical industry.

[5]. Rafał MIERZWIAK. Expert and clustering method of quality evaluation of working conditions, Organizacja i Zarządzanie, 2016, DOI: 10.21008/j.0239-9415.2016.070.09

[6]. Dejan Bogdanović, Vladimir Stanković, Snežana Urošević & Miloš Stojanović (2016) Multicriteria ranking of workplaces regarding working conditions in a mining company.

[7] Violeta Stefanović, Snežana Urošević, Ivana Mladenović-Ranisavljević, Petar Stojilković, Multi-criteria ranking of workplaces from the aspect of risk assessment in the production processes in which women are employed, Safety Science 116 (2019) 116–126

[8]. Đỗ Trần Hải, Phạm Quốc Quân (2017), Phương pháp phân loại chất lượng vệ sinh môi trường lao động và cấp độ rủi ro sức khỏe nghề nghiệp do các yếu tố môi trường lao động gây ra, Tạp chí Bảo hộ lao động N1&2, 2017;

[9]. Đỗ Trần Hải, Nguyễn Thắng Lợi, Phạm Quốc Quân (2017), Đánh giá, phân loại chất lượng vệ sinh môi trường lao động và rủi ro sức khỏe nghề nghiệp do tác động của các thông số vi khí hậu, Tạp chí Bảo hộ lao động N4, 2017.

Lê Minh Đức1, Nguyễn Thị Hường2

1Phân viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung

2Khoa Hoá, Trường ĐH Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

Tìm kiếm bài viết

Video

Ảnh hoạt động

IMG_8493 IMG_8515F IMG_8505 IMG_8488 IMG_8498 20150504_102136 20151212_151529 Ly mu cc yu t c hi khu vc may

Thông tin liên hệ

TRẠM QUAN TRẮC VÀ PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Địa chỉ: 99 Trần Quốc Toản, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Điện thoại: (+8424) 22172473; 22172480 - Fax: (8424) 3822 3011

Hotline: 0941042838

Email: [email protected] 

Website: https://Wemos.vn/

Cơ quan quyết định thành lập: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cơ quan quản lý trực tiếp: Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

 

Dịch vụ

Thế mạnh đơn vị

Bản đồ

Thông tin được đăng tải có tính chất tham khảo, không có giá trị về mặt pháp lý

  • zalo-circle