Quan trắc môi trường lao động để bảo vệ sức khỏe NLĐ
Trao đổi với P.V, bà Phan Kim Sương, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường tỉnh, cho biết Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 quy định, NLĐ được bảo đảm điều kiện làm việc ATVSLĐ trong quá trình lao động, tại nơi làm việc và được cung cấp thông tin đầy đủ và những biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ. Công tác QTMTLĐ đã được quy định chặt chẽ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, như: Nghị định 44/2016/NĐ- CP của Chính phủ và Thông tư 19/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo đó, công tác QTMTLĐ là một quá trình đo kiểm, đánh giá và theo dõi có chọn lọc một cách hệ thống từ những chỉ số thành phần trong môi trường giúp người sử dụng lao động xác định những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại để thực hiện trách nhiệm đối với NLĐ, giúp NLĐ hiểu biết đầy đủ về môi trường làm việc, tham gia giám sát chất lượng môi trường lao động và được đáp ứng quyền lợi khi bị ảnh hưởng.
Công tác QTMTLĐ định kỳ là điều kiện đầu tiên và quan trọng trong việc bảo đảm ATVSLĐ tại các DN, giúp DN chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NLĐ. Vì vậy, hoạt động này cần sự chung tay, phối hợp của các cấp, các ngành trong tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các đơn vị, DN và NLĐ quan tâm hơn. Nhấn mạnh vai trò QTMTLĐ, bà Phan Kim Sương phân tích: Khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ là phát hiện, tầm soát một số bệnh mà NLĐ mắc phải. Còn QTMTLĐ giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh phát hiện nơi làm việc tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tai nạn thương tích. Từ đó, giúp chủ DN nắm bắt các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe NLĐ, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.
QTMTLĐ cũng giúp cơ quan quản lý có số liệu thực tế, đánh giá, so sánh môi trường làm việc cho NLĐ mà công ty đã nêu trong hồ sơ vệ sinh lao động. Trong điều kiện NLĐ tiếp xúc thường xuyên với yếu tố nguy cơ, tác hại nghề nghiệp vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe, hoặc nặng hơn có thể mắc các bệnh nghề nghiệp, bệnh ung thư… tùy vào thời gian tiếp xúc và mức độ độc hại tại nơi làm việc. Do đó, các cơ sở kinh doanh, sản xuất hàng năm phải thực hiện QTMTLĐ. Đây là việc làm cần thiết nhằm phát hiện sớm các nguy cơ, kịp thời có biện pháp kiểm soát phòng tránh tai nạn, thương tích và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Nhiều DN vượt tiêu chuẩn tiếng ồn, hơi khí độc, ánh sáng
Hiện nay, không phải DN nào cũng quan tâm thực hiện quy định QTMTLĐ hoặc có quan tâm nhưng thực hiện theo kiểu đối phó. Để tiết kiệm chi phí, nhiều chủ DN hạn chế đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện làm việc, khiến nhà xưởng chật hẹp, nóng bức, gia tăng nồng độ bụi, tiếng ồn. Một số DN sau khi QTMTLĐ và được kiến nghị nhưng lại không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Trong khi nhiều NLĐ sợ phiền hà, mất việc làm, thấy bệnh chưa đến mức nguy hiểm nên bỏ qua, không chủ động đề xuất, kiến nghị với chủ DN cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn lao động.
Kết quả giám sát 6 tháng đầu năm 2022 của Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường tỉnh cho thấy có 80/150 DN (chiếm 53% DN được kiểm tra, giám sát) có thực hiện công tác QTMTLĐ. Sau khi quan trắc, trung tâm phát hiện 2.514/26.587 (chiếm 9,46%) các yếu tố vượt tiêu chuẩn cho phép, chủ yếu là các yếu tố: Tiếng ồn, hơi khí độc, ánh sáng… và tập trung chủ yếu ở các ngành nghề: Chế biến gỗ, may mặc, cơ khí… Các yếu tố có hại vượt tiêu chuẩn cho phép có nguy cơ cao gây mắc các bệnh nghề nghiệp không phục hồi cho NLĐ, như: Điếc nghề nghiệp, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, nhiễm độc hóa chất nghề nghiệp…
Để bảo vệ sức khỏe NLĐ, trách nhiệm của lãnh đạo DN có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Cùng với đó, các ngành chức năng cũng cần thường xuyên giám sát, hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt quy định của pháp luật về vệ sinh lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thời gian qua, Bình Dương đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong QTMTLĐ nhưng vẫn còn nhiều tồn tại và một số thách thức. Đơn cử như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho hoạt động QTMTLĐ còn chưa đầy đủ; hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật còn chưa đồng bộ; kinh phí dành cho hoạt động QTMTLĐ còn hạn chế so với nhu cầu đặt ra…
THẾ PHƯƠNG - HOÀNG LINH
(Nguồn tin: Báo Bình Dương Online)