Việc người lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng và có ý thức cao chấp hành an toàn lao động chính là thành công của doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường lao động chuyên nghiệp và phát triển bền vững.
Cán bộ Công đoàn khảo sát về công tác đảm bảo ATVSLĐ tại Công ty TNHH Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Việt Bắc
Ngày 15.4 vừa qua, tại xưởng sản xuất của Công ty VIMICO trong Khu công nghiệp Sông Công I, tỉnh Thái Nguyên, một công nhân đã trượt chân và rơi từ độ cao xuống đất trong quá trình làm việc, dẫn đến chấn thương nặng và tử vong tại bệnh viện. Trước đó, ngày 9.4, cũng tại Khu công nghiệp Sông Công I, đã xảy ra một vụ nổ lò luyện thép tại Công ty TNHH Hương Đông, khiến 4 người bị thương nặng và một người tử vong do bỏng nặng.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn lao động, khiến 2 công nhân bị thiệt mạng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc kiểm tra, giám sát và đảm bảo an toàn lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trong năm 2024, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã điều tra 27 vụ tai nạn lao động, xử phạt 292 triệu đồng, trong đó có vụ 312 người lao động (NLĐ) chưa được huấn luyện ATVSLĐ. Công tác điều tra tai nạn lao động đã góp phần làm rõ nguyên nhân sự cố, xác định trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời rút ra những bài học cảnh báo, nâng cao nhận thức và năng lực phòng ngừa cho cả doanh nghiệp lẫn NLĐ.
Việc phát hiện kịp thời những vi phạm, đưa ra kiến nghị chấn chỉnh, xử phạt các hành vi vi phạm không chỉ giúp các đơn vị sử dụng lao động khắc phục hạn chế những tồn tại mà còn đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật về an toàn lao động, nhắc nhở các doanh nghiệp phải đặt an toàn lao động lên hàng đầu, coi đó là nền tảng cho sự phát triển lâu dài.
Việc trang bị kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là nâng cao ý thức, tính kỷ luật trong chấp hành các quy định về an toàn lao động của NLĐ không chỉ ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Đồng thời tạo ra môi trường làm việc công bằng, nhân văn, nâng cao niềm tin của NLĐ đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Trưởng phòng Chính sách Lao động, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên – cho biết, toàn tỉnh đã có 148 doanh nghiệp khai báo thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Điều này cho thấy sự chủ động của doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định pháp luật.
“Trong quá trình kiểm tra tại các doanh nghiệp, yếu tố được đặc biệt chú trọng đó là sự tuân thủ các quy định về an toàn lao động, từ việc cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động cho NLĐ, đến việc đảm bảo môi trường làm việc không có nguy cơ gây hại” – ông Quyền thông tin.
Trong Tháng Công nhân năm nay, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu mỗi công đoàn cơ sở, tổ chức ít nhất một hoạt động phù hợp để hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng Hành động về ATVSLĐ. Ngay trong tháng 4, hầu hết các đơn vị công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức phát động, gắn với các hoạt động chăm lo cho NLĐ.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Mạnh Thắng – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên – cho hay, các cơ quan của LĐLĐ tỉnh đã tham gia đoàn kiểm tra công tác ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp, tổ chức đi thăm, tặng quà, động viên một số gia đình có nạn nhân bị tai nạn lao động.
“Ngoài việc chăm lo, gắn kết và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ, các cấp công đoàn cũng đang đồng hành cùng cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành về an toàn lao động của cả NLĐ và chủ sử dụng lao động, hướng tới tạo lập môi trường làm việc an toàn, chuyên nghiệp và bền vững” – ông Thắng chia sẻ.