Trên cơ sở Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua hộp thư điện tử, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh cấp xã, đã ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình, giải pháp làm việc an toàn, áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động; treo khẩu hiệu băng rôn, biểu ngữ về an toàn vệ sinh lao động. Giai đoạn 2013-2023, đã tổ chức 04 hội nghị đối thoại mời các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với hơn 950 người đại diện tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và huyện, thành phố tham gia; qua đó, đã trao đổi, đối thoại với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp về các nhóm vấn đề: Quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động; quản lý công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; chế độ, chính sách an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động;…
Ảnh minh họa
Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động; chỉ đạo đưa nội dung an toàn, vệ sinh lao động vào các chương trình, giáo trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Gắn công tác đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa tai nạn, bảo đảm vệ sinh lao động với các chương trình mục tiêu quốc gia, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bộ đội phục viên, xuất ngũ. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa công tác tập huấn an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trong sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nông sản tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bảo đảm vệ sinh lao động trong sản xuất.
Hằng năm, tỉnh đã phát động phong trào công nhân, viên chức, người lao động hưởng ứng Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật; công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chú trọng; tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động như thiết bị thông gió, thiết bị làm mát, thiết bị thu hút bụi, thiết bị chiếu sáng, thiết bị chống nóng, chống ồn, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; lắp đặt và trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện đại để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động…
Nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, công tác kiểm tra, quản lý máy móc, thiết bị, vật tư của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn được chú trọng. Trong đó, đã điều tra, làm rõ các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người. Hướng dẫn triển khai công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phù hợp trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và làng nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Việc đổi mới cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động được chú trọng thực hiện; quan tâm bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, bảo đảm người lao động không bị mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh khác do điều kiện lao động gây ra. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt quy định về an toàn, vệ sinh lao động; xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Tăng cường vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động đầu tư cho các hoạt động cảnh báo, phòng ngừa, quản lý rủi ro, phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
(Nguồn tin: Trang Thông Tin Điện Tử Công An Tỉnh Kon Tum)