Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - trao hỗ trợ cho công nhân bị tai nạn lao động. Ảnh: Đình Trọng
Mất tương lai vì tai nạn lao động
Sau hơn 2 năm bị tai nạn lao động, đến nay L.T.V (21 tuổi, ngụ Bình Phước) vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp, việc học tập cũng dở dang. Nhớ lại tai nạn, L.T.V cho biết, ngày 17.5.2021, anh vào công ty sản xuất kim loại ở KCN Becamex Bình Phước (phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành, Bình Phước) thử việc. Anh L.T.V được cán bộ nhân sự dẫn xuống nhà máy giao cho một công nhân hướng dẫn điều khiển máy dập sắt.
Chỉ trong 15 phút chỉ dẫn, anh L.T.V được giao chính thức đứng máy. Qua ngày làm việc thứ 2, khi đang điều khiển máy thì có người gọi, L.T.V quay về hướng tiếng gọi. Chỉ một giây bất cẩn, không tập trung, bàn dập sắt đã dập trúng khiến tay của L.T.V bị dập nát. Suốt hơn 1 năm sau, L.T.V phải đi qua nhiều bệnh viện để điều trị.
Sau vụ tai nạn, các bên đã nhiều lần ngồi lại để bàn bạc phân tích nguyên nhân và trách nhiệm liên quan. Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn đó là việc sử dụng lao động mới không đúng vị trí. Lẽ ra, L.T.V phải được đào tạo bài bản để hiểu về máy, an toàn lao động và thành thạo thì mới được bố trí chính thức tự điều khiển máy.
Còn tại tỉnh Bình Dương, mỗi năm có khoảng 600 vụ tai nạn lao động. Nhiều người bị gãy tay, gãy chân... mang thương tật suốt đời vì tai nạn lao động. Cách đây 3 năm, anh Huỳnh Văn Thành (sinh năm 1991, quê Đồng Tháp, làm công nhân trong KCN VSIP 1, Thuận An, Bình Dương) bị tai nạn lao động, đến nay vẫn còn di chứng. Anh Thành kể lại: “Ngày 27.10.2020, khi đang đứng máy tôi bất cẩn do mất tập trung, cánh tay phải bị máy quấn vào. Cả bàn tay bị máy ép dập nát, phải cắt bỏ. Bây giờ cứ trái gió trở trời là một nửa người đau nhức. Công việc thì không ổn định”.
Những trường hợp kém may mắn, tai nạn lao động còn lấy đi mạng sống. Chỉ trong tháng 3.2023, tại Bình Dương có 3 vụ tai nạn lao động chết người. Trong đó, vụ tai nạn ở nhà xưởng công ty sản xuất gạch ở thị xã Tân Uyên khiến N.V.P (sinh năm 1974, quê huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) tử vong để lại nhiều ám ảnh cho người nhà nạn nhân. Thời điểm xảy ra tai nạn, vợ và hai con nạn nhân cùng làm trong công ty chứng kiến trực tiếp vụ tai nạn...
Đối thoại tìm ra biện pháp đảm bảo ATVSLĐ
Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Phước - Tháng Công nhân năm nay, các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền, cập nhật thông tin về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, sự cố để phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Với tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, LĐLĐ tỉnh đã có hướng dẫn tổ chức, triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.
Hiện LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động tham gia, đối thoại với người sử dụng lao động tìm ra những biện pháp đảm bảo ATVSLĐ. Các hoạt động cụ thể như, tổ chức kiểm tra định kì, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, hệ thống điện, lắp các biển báo. Hướng dẫn kĩ năng, quy trình làm việc an toàn, các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động trong công tác ATVSLĐ...
* Theo bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - trong tháng 5.2023, các cấp công đoàn tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, triển khai các chế độ phúc lợi cho người lao động. * Tại Bình Phước, LĐLĐ Bình Phước đã trao quà cho 28 công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gặp khó khăn, mỗi phần quà gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm trị giá 1.250.000 đồng. |
ĐÌNH TRỌNG
(Nguồn tin: laodong.vn)