Đoàn liên ngành Hội đồng an toàn vệ sinh lao động tỉnh kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, phòng cháy chữa cháy tại Công ty TNHH Long Bình Electronics, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình).
Trăn trở những con số buồn
Qua số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 - 12 vụ TNLĐ (tính cả trong khu vực không có quan hệ lao động). Giai đoạn 2014 - 2022, toàn tỉnh xảy ra 117 vụ với 207 người bị nạn, trong đó có 96 vụ TNLĐ làm chết người với 99 người chết. Số vụ TNLĐ chết người tập trung chủ yếu trong các ngành nghề khai thác khoáng sản và xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí…
7 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ TNLĐ, làm chết 4 người, bị thương 1 người. Cụ thể, vụ TNLĐ xảy ra tại trạm nghiền đá thuộc mỏ đá Hang Voi, thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy), nạn nhân là ông Nguyễn Văn H. (SN 1975), thường trú huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Khoảng 6h ngày 20/3, như mọi ngày, ông H. thực hiện bơm mỡ tại các vòng bi, kiểm tra gạt băng tải tại trạm nghiền đá trước khi vào ca làm việc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông H. di chuyển trên băng tải để đến các điểm cần bơm mỡ thì bị ngã dẫn đến tai nạn. Khoảng cách từ vị trí ông H. bị ngã đến mặt đất khoảng 4,25m. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng ông H. đã tử vong.
Ngày 5/7, tại lò khai thác than số 3, mỏ khai thác than thuộc Công ty TNHH MTV Phương Bắc, xóm Cỏ, xã Mỹ Thành xảy ra vụ TNLĐ làm 2 người chết, 1 người bị thương. Thông tin vụ việc như sau: Tháng 1/2023, Công ty TNHH MTV Phương Bắc ký hợp đồng kinh tế với ông Đỗ Văn Thành (thôn Đồng Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) để khai thác than. Sáng 5/7, tại lò than số 3 có 1 tổ công nhân gồm 6 người do ông Đỗ Văn Thành thuê thực hiện nhiệm vụ khai thác than, trong đó 5 người làm nhiệm vụ dưới lò than, 1 người điều khiển máy tời phía trên lò. Khoảng 11h cùng ngày, các công nhân kết thúc ca làm việc và di chuyển ra khỏi lò bằng tời than. Sau khi đưa được 2 công nhân ra khỏi lò khai thác thì dưới lò xuất hiện sụt đất, đá ở độ sâu khoảng 90m dẫn đến tai nạn cho 3 công nhân còn lại. Sau khi đào đất, đá tìm kiếm đã đưa được 3 công nhân gặp nạn ra ngoài và đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, 2 công nhân (Nguyễn Công Q. và Nguyễn Công T. A.) đã tử vong trên đường đi. Công nhân Bùi Hữu C. bị gãy 1 tay và rách da trên đầu được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Vụ TNLĐ gần đây nhất xảy ra ngày 10/7 trên địa bàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy). Theo báo cáo nhanh của đoàn điều tra TNLĐ tỉnh, thời điểm xảy ra khoảng từ 5h - 6h30 tại hộc số 4, máy cuốn chè thuộc Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi Thăng Long. Công nhân Quách Thị L., tổ trưởng ca sản xuất được giao công việc chính là đứng máy vò chè. Sáng hôm đó, công nhân L. đến rất sớm, sau đó vận hành máy cuốn chè. Khoảng hơn 6h có 1 công nhân khác đến làm việc thấy máy cuốn chè đang chạy nhưng không thấy ai nên tắt máy cuốn, đồng thời phát hiện một phần thi thể của công nhân L. trên băng tải gần vị trí quả lô cuốn. Sự việc lập tức được công nhân này báo đội trưởng và Ban giám đốc. Khoảng 11h15' cùng ngày, thi thể công nhân L. được đưa ra khỏi máy cuốn chè, có sự chứng kiến của Công an huyện Lạc Thủy và đoàn điều tra TNLĐ tỉnh.
Đồng chí Khuất Thị Thủy, Phó trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Mặc dù không thuộc danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất hoặc xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết nhiều người, nhưng những con số và vụ việc nêu trên cho thấy diễn biến các vụ TNLĐ trong thời gian qua để lại nhiều nỗi đau, gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Chung tay đảm bảo an toàn trong lao động
Qua phân tích, sự chủ quan của NLĐ, sức khỏe không đảm bảo, yếu tố tâm lý, lơ là trong quá trình lao động là nguyên nhân trước tiên dẫn đến bị gặp nguy hiểm, gây mất an toàn lao động. Nhiều NLĐ chủ quan không mang theo các thiết bị bảo hộ hoặc tự ý vi phạm kỷ luật lao động. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nguyên nhân chính để xảy ra TNLĐ là máy móc, trang thiết bị làm việc không đảm bảo an toàn, không thường xuyên kiểm tra, bảo trì hoặc việc tổ chức sản xuất không hợp lý, để dụng cụ không đúng nơi quy định, không gian làm việc không đảm bảo an toàn. Môi trường làm việc có chứa các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.300 doanh nghiệp. Những năm qua, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác ATVSLĐ hàng năm gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị, thành lập mạng lưới ATVSLĐ, xây dựng nội quy lao động, quy trình vận hành an toàn từng loại máy, thiết bị, nội quy làm việc an toàn, kiểm định kỹ thuật an toàn và tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn có doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, khai thác khoáng sản thực hiện các quy định về ATVSLĐ còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ có nhà xưởng, thiết bị cũ, lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến nhiệm vụ đảm bảo ATVSLĐ, như: không bố trí người phụ trách công tác ATVSLĐ, y tế và phòng cháy, chữa cháy. Do người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này thiếu hiểu biết pháp luật về ATVSLĐ nên chỉ thực hiện một số nội dung cơ bản như trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đơn giản…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác ATVSLĐ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ từng bước đi vào nền nếp, ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động, NLĐ được nâng cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSLĐ quyết liệt. Năng lực mạng lưới công tác ATVSLĐ đã được cải thiện.
Nhằm chung tay kiềm chế sự gia tăng về TNLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH của tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo về ATVSLĐ trong mọi loại hình sản xuất, kinh doanh. Chú trọng tập huấn, huấn luyện đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ đến đông đảo NLĐ và người dân để thay đổi thói quen, nhận thức, tác phong của NLĐ, người sử dụng lao động. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ cho NLĐ. Các cấp, ngành phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, nhất là kiểm tra đột xuất, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, cương quyết xử lý nghiêm vi phạm, đình chỉ, tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp, cá nhân, cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường.
(Nguồn tin: Báo Hòa Bình Điện Tử)