Mục tiêu của cuộc khảo sát
Mục đích của cuộc khảo sát nhằm xác định rõ hơn các yếu tố rủi ro gây ung thư đối với hầu hết các trường hợp phơi nhiễm, cung cấp cái nhìn tổng quan toàn diện và chính xác nhằm cung cấp các biện pháp phòng ngừa, nâng cao nhận thức và xây dựng chính sách, cuối cùng giúp chống lại bệnh ung thư nghề nghiệp.
Công việc chuẩn bị cho cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 2020 và kể từ đó, cuộc khảo sát được phát triển, thử nghiệm và khảo sát với mẫu ngẫu nhiên gồm hàng nghìn cá nhân đang làm việc tại 6 quốc gia thành viên EU: Đức, Ireland, Tây Ban Nha, Pháp, Hungary và Phần Lan. Các bảng câu hỏi được phát triển để ước tính khả năng tiếp xúc có thể xảy ra của người lao động với 24 yếu tố rủi ro gây ung thư đã biết, bao gồm các hóa chất công nghiệp, các chất và hỗn hợp được tạo ra trong quá trình sản xuất, cùng với các yếu tố rủi ro vật lý.
Tác động của cuộc khảo sát
Những người tham gia khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên ở mỗi quốc gia và trả lời các câu hỏi chi tiết về nhiệm vụ mà họ đã hoàn thành tại nơi làm việc trong tuần làm việc gần nhất và về các biện pháp phòng ngừa đã áp dụng. Dựa vào câu trả lời của họ, xác suất tiếp xúc với các yếu tố rủi ro gây ung thư được ước tính tự động bằng cách sử dụng một công cụ cải tiến có tên là Hệ thống đánh giá phơi nhiễm cơ sở dữ liệu tích hợp nghề nghiệp (OccIDEAS)
Với thông tin của cuộc khảo sát, EU-OSHA có khả năng cung cấp dữ liệu thống kê tốt hơn và phát triển việc xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng. Cuộc khảo sát được mong đợi sẽ nâng cao khả năng bảo vệ khỏi các chất nguy hiểm và giúp giảm các ca ung thư liên quan đến nghề nghiệp.
Dữ liệu thu thập được có thể được sử dụng để phát triển và cung cấp các công cụ giám sát ATVSLĐ mà công chúng có thể truy cập. Các báo cáo với sự phân tích và bảng dữ liệu được phát triển và xuất bản để thông tin được phổ biến rộng rãi hơn.
Nhìn chung, WES là một nguồn dữ liệu quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và các bên trung gian, những người có thể ưu tiên và thực hiện các hoạt động phù hợp và kịp thời để giảm thiểu ung thư nghề nghiệp.
Kết quả ban đầu của cuộc khảo sát
Phơi nhiễm nghề nghiệp được đánh giá xảy ra thường xuyên nhất trong số 24 yếu tố rủi ro gây ung thư được xem xét trong cuộc khảo sát gồm: bức xạ tia cực tím (UV), khí thải động cơ diesel, ben zen, silic tinh thể hô hấp (RCS) và pho-man-đê-hít, tiếp đó là crom hóa trị 6, chì và hợp chất vô cơ của nó, và bụi gỗ. Đáng chú ý là RCS, khí thải động cơ diesel và bụi gỗ với tỷ lệ người lao động có khả năng phơi nhiễm với những yếu tố này ở mức cao hơn.
WES cũng cung cấp thông tin về tình trạng phơi nhiễm của người lao động với một số yếu tố rủi ro được xem xét trong cuộc khảo sát trong tuần làm việc cuối cùng. Những người lao động có thể đã tiếp xúc ít nhất 2 yếu tố gây ung thư được coi là có nhiều lần phơi nhiễm, mặc dù việc tiếp xúc không nhất thiết xảy ra cùng một thời điểm và trong cùng một quy trình làm việc.
Phần lớn công nhân không tiếp xúc với bất kỳ yếu tố nào trong số 24 yếu tố rủi ro gây ung thư được xem xét trong WES (52,6%) trong tuần làm việc gần nhất của họ, trong khi 21,2% người lao động được đánh giá là có tiếp xúc với 1 yếu tố và 1,9% người lao động được đánh giá tiếp xúc nhiều hơn 5 yếu tố. Trong số các công nhân tiếp xúc với một yếu tố rủi ro gây ung thư, 14% người lao động làm việc trong các hoạt động chế tạo, 14% công nhân làm việc trong ngành bán buôn và bán lẻ, và 13% người lao động làm việc trong các hoạt động xã hội và sức khỏe con người.
Tình trạng phơi nhiễm
WES cung cấp thông tin về các nhóm công nhân bị phơi nhiễm cũng như các trường hợp tiếp xúc khác nhau với từng yếu tố nguy cơ gây ung thư trong tuần làm việc gần nhất. Đối với 5 trong số các yếu tố phơi nhiễm nghề nghiệp xảy ra thường xuyên nhất được đánh giá trong WES, một số chi tiết về người lao động và tình huống tiếp xúc được cung cấp dưới đây:
20,8% người lao động được đánh giá là có phơi nhiễm với bức xạ tia cực tím mặt trời (bao gồm cả phơi nhiễm ở mắt), đây là mức phơi nhiễm phổ biến nhất trong số những người tham gia khảo sát. Sự phơi phiễm trải rộng trên tất cả các loại công việc, đặc biệt là những công nhân làm việc ngoài trời như công nhân xây dựng, công nhân nông trường, công nhân lái xe và vận tải, nhân viên dịch vụ bảo vệ. Làm việc trong hoặc gần tuyết mà không có kính bảo vệ mắt là trường hợp dẫn đến khả năng phơi nhiễm với bức xạ tia cực tím mặt trời ở mức cao.
1/5 người lao động phơi nhiễm với khí thải động cơ diesel, phần lớn là ở mức độ thấp. Đa số công nhân trạm xăng, công nhân mỏ than và mỏ đá, công nhân xây dựng và bảo trì đường bộ, công nhân lái xe và vận tải có khả năng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ ung thư này (từ 76% đến 99% đối với mỗi loại công việc). Các trường hợp chính dẫn đến khả năng phơi nhiễm khí thải động cơ diesel ở mức cao bao gồm việc lái xe diesel như một phần công việc bên trong tòa nhà (hoặc dưới lòng đất trong mỏ) và không sử dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp khi bảo dưỡng xe diesel (ví dụ không lắp ống vào ống xả của xe để dẫn khí thảira bên ngoài).
13% người lao động được đánh giá là phơi nhiễm với benzene. Nhiều công nhân ở các trạm xăng dầu (98%), công nhân xây dựng và bảo trì đường bộ (68%), và lính cứu hỏa (51%) có khả năng phơi nhiễm với yếu tố rủi ro gây ung thư này. Các trường hợp chính dẫn đến khả năng phơi nhiễm benzene là bơm xăng, bảo trì các phương tiện sử dụng xăng (như hiệu chỉnh máy, sửa ống xả hoặc đại tu cộng cơ, và/hoặc xả cạn bình chứa nhiên liệu hoặc thay bộ lọc nhiên liệu), tiếp đến là làm việc gần các phương tiện chạy bằng xăng với động cơ đang hoạt động.
8,4% người lao động được đánh giá phơi nhiễm với RCS. Trong số những công nhân có khả năng tiếp xúc RCS, hơn 2/5 là công nhân xây dựng. Hơn 90% công nhân mỏ than và mỏ đá và công nhân xây dựng và bảo trì đường bộ có khả năng tiếp xúc với RCS trong tuần làm việc gần nhất, cũng như 79% công nhân sản xuất gốm sứ. Các trường hợp chính dẫn đến khả năng phơi nhiễm RCS ở mức cao gồm cách làm sạch bụi cát tại công trường không đúng cách, trộn xi măng hoặc bê tông, làm việc với đá nhân tạo (cắt, mài…) và các biện pháp bảo vệ không phù hợp khi làm việc với đá tự nhiên, bê tông hoặc gạch (cắt, mài…).
6,4% người lao động được đánh giá phơi nhiễm với pho-man-đe-hít. Hơn 2/5 công nhân làm các loại công việc sau có thể phơi nhiễm với pho-man-đê-hít: công nhân ngành bọc vải (62%); công nhân trồng hoa (50,7%); lính cứu hỏa và công nhân sản xuất/sửa chữa giày hoặc đồ da thành phẩm (45,3%); và công nhân sản xuất cao su, sản phẩm cao su, nhựa hoặc nhựa thông (42,5%). Các trường hợp chính dẫn đến có khả năng phơi nhiễm với pho-man-đê-hít là việc sử dụng keo dán dỗ hai thành phần hoặc làm việc với ván ép, ván dăm hoặc ván sợi mật độ trung bình (MDF).
Phơi nhiễm và điều kiện làm việc
Xem xét tình trạng phơi nhiễm với không phơi nhiễm, người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 50 công nhân) phơi nhiễm với một hoặc nhiều hơn các yếu tố nguy cơ ung thư cao gấp 1,3 lần người lao động làm việc trong các doanh nghiệp vừa và lớn.
Trong khi những công nhân làm việc bán thời gian (ít hơn 30 giờ/tuần) có nhiều lần phơi nhiễm ít hơn trung bình, tỷ lệ công nhân có khả năng nhiều lần phơi nhiễm tăng đáng kể khi làm việc nhiều hơn 50 giờ/tuần.
WES được thực hiện bởi những người phỏng vấn địa phương đã được đào tạo từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023 bằng cách sử dụng CATI (Phỏng vấn qua điện thoại với sự trợ giúp của máy tính). Sau khi hoàn thành giai đoạn khảo sát thực địa và kiểm soát chất lượng, 24,402 cuộc phỏng vấn hợp lệ đã được cung cấp để phân tích. Đối tượng khảo sát bao gồm các cá nhân từ 15 tuổi trở lên, làm việc trong tất cả các lĩnh vực kinh tế ở 6 nước thành viên châu Âu. Nghiên cứu bao gồm các cá nhân tự kinh doanh và người lao động trong các doanh nghiệp mọi quy mô. Các câu hỏi được dịch từ tiếng Anh sang các ngôn ngữ quốc gia tương ứng.
Biên dịch: Xuân Đài
(Nguồn tin: https://osha.europa.eu/)